Gấp rút điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM
Ngày đăng: 20-09-2023
Lượt xem: 834
Mô hình đô thị đa trung tâm được TP.HCM tiếp tục theo đuổi để phát triển các huyện ngoại thành, trong bối cảnh trung tâm hiện hữu đang ngày càng quá tải.
Ngày 12.9, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị báo cáo đầu kỳ về điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 với sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành về quy hoạch, phát triển đô thị cùng nhà quản lý.
Giải quyết trước mắt, định hướng tương lai
- PGS-TS Đỗ Tú Lan, nguyên Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, cho rằng đợt điều chỉnh quy hoạch chung lần này phải chú ý 2 nội dung quan trọng là giải quyết vấn đề trước mắt và định hướng đến tương lai. Trong đó, TP.HCM cần chỉ ra những bất cập, quy hoạch không có định hướng tốt, và tách bạch với quy hoạch tốt nhưng không thực hiện được. Bài toán trước mắt mà bà Lan cho rằng TP.HCM cần phải giải quyết, đó là ách tắc giao thông, ngập lụt cục bộ, vi phạm về xây dựng, chưa an toàn dân sinh. Còn về tương lai, TP.HCM muốn trở thành một thành phố thông minh, vị thế nổi bật trong khu vực thì phải xác định không gian, động lực, lộ trình xây dựng.
- Trong bản thuyết minh tóm tắt điều chỉnh quy hoạch chung, TP.HCM tiếp tục với mục tiêu phát triển đô thị đa trung tâm, gồm vùng đô thị trung tâm, vùng trung tâm mở rộng phía bắc, nam Sài Gòn, Củ Chi, Cần Giờ và TP.Thủ Đức. PGS-TS Đỗ Tú Lan cho rằng cần có mô hình phân tích, trong đó xác định ngoài trung tâm chính thì có bao nhiêu đô thị vệ tinh là đủ, mô hình "thành phố trong thành phố" như thế nào, liên kết giữa các đô thị ra sao.
- Riêng với Cần Giờ, chuyên gia này nói bản thân không ủng hộ phát triển thành thành phố. "Cần Giờ có thể khai thác một số chức năng nhưng cần bảo tồn", bà Lan nói. Ngoài ra, bà Lan cũng khuyến nghị TP.HCM cần dũng cảm bỏ ra vài trăm hecta làm hồ điều tiết để ứng phó ngập lụt, triều cường...
- Đối với 5 huyện ngoại thành, PGS-TS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, nhận định sớm muộn cũng đô thị hóa, cần phải sắp xếp lại. Mặt khác, TP.HCM cũng cần tập trung tháo gỡ hàng trăm dự án đang "đứng hình" để sửa chữa sai lầm trong quá khứ. Chuyên gia này nhấn mạnh, do không đủ nguồn lực để làm tất cả cùng lúc nên phải có ưu tiên, xác định những khu vực cần làm ngay, khu vực để dự trữ cho thế hệ sau này.
- Về mô hình đô thị đa trung tâm, PGS-TS Trần Trọng Hanh lưu ý các đô thị phải tương đối độc lập với nhau khoảng 60 - 70%, không phát triển theo kiểu thành phố "ngủ", người dân sáng đi vào trung tâm, chiều về lại nhà.
Kết nối để chia sẻ quá tải hạ tầng
- Bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc, Bộ Xây dựng, đề nghị đơn vị tư vấn cần đánh giá hiện trạng sử dụng đất và chỉ ra nguyên nhân khiến nhiều chỉ tiêu chỉ đạt 20 - 60% dự báo. Đơn cử chỉ tiêu đất ở dự báo đến năm 2025 đạt 28.000 ha nhưng hiện mới đạt 19.000 ha, đất xây dựng đô thị dự báo 96.000 ha nhưng cũng chỉ đạt 63.000 ha. "Phải đánh giá được những tồn tại của sử dụng đất và đất đai bỏ trống chưa thực hiện được như quy hoạch", bà Hằng lưu ý.
- Nhấn mạnh kết nối vùng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc cho rằng TP.HCM cần kết nối với các thành phố, tỉnh lân cận như TP.Biên Hòa, TP.Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu), Bình Dương, Long An để chia sẻ những vấn đề quá tải về hạ tầng. Bà Hằng cũng đề nghị cân nhắc kỹ hơn về phát triển mô hình "thành phố trong thành phố" bởi hiện nay Quốc hội đã có nghị quyết về phân loại đô thị đối với thành phố.
- Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết mô hình đô thị đa trung tâm đã có khoảng 20 năm nhưng chưa thực hiện được, do vậy nếu không mạnh dạn bứt phá thì đô thị vẫn phát triển theo kiểu "vết dầu loang". Khi đó, TP.HCM tiếp tục phải giải quyết các hệ lụy của nó. "Việc đầu tư có lộ trình nhưng tiên quyết phải ra được mô hình của các trung tâm này và đầu tư hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông", ông Mãi nói.
- Về mối liên hệ giữa các trung tâm mới với trung tâm hiện hữu, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị đơn vị tư vấn xác định rõ tỷ lệ tùy theo chức năng. Mặt khác, nếu xét trong địa bàn TP.HCM là hệ đô thị đa trung tâm nhưng trong tổng thể thì đó là lõi của vùng đô thị TP.HCM. Khi đó, đô thị ở H.Bình Chánh tương tác với H.Bến Lức của tỉnh Long An, khu đô thị Tây Bắc tương tác với H.Trảng Bàng của tỉnh Tây Ninh và kết nối với thủ đô Phnom Penh của Campuchia.
- Liên quan đến hạ tầng giao thông, ông Mãi đề nghị đơn vị tư vấn cùng các sở ngành xác định phương thức giao thông, bên cạnh đường sắt đô thị, giao thông công cộng thì còn cả giao thông thủy. Lãnh đạo TP.HCM cũng nêu thuận lợi khi phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (mô hình TOD) sau khi Quốc hội cho phép thí điểm. TP.HCM đã rà soát quỹ đất khoảng 10.000 ha xung quanh metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. "Chúng ta dùng một phần ngân sách đầu tư công thu hồi 1.000 ha, chuyển hóa thành nguồn vốn tiếp tục làm hạ tầng", ông Mãi nói thêm về cách thức thực hiện.
- Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng lưu ý yêu cầu phát triển văn hóa hài hòa với phát triển kinh tế xã hội, thậm chí là lợi thế của thành phố, quan tâm phát triển không gian xanh, xác định quy mô và cơ cấu dân số hợp lý. "Đơn vị tư vấn tăng tốc, cơ quan điều phối tăng tốc, sở ngành và quận, huyện phối hợp chặt chẽ. Đơn vị thời gian là ngày chứ không phải là tuần hay là tháng", ông Mãi nhấn mạnh đến việc gấp rút hoàn thiện hồ sơ để cuối tháng 12.2023 hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Xây dựng thẩm định.
Khai thác tiềm năng sông Sài Gòn
- Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN, cho biết hiếm có sông nào như dải lụa uốn lượn chạy quanh thành phố như sông Sài Gòn. Ông Chính dẫn chứng Đà Nẵng có sông Hàn dài 7 km với nhiều cây cầu, cùng với lễ hội pháo hoa đã làm nên thương hiệu. Trong khi đó, sông Sài Gòn dài 40 km có bề rộng giữa 2 bờ, TP.HCM nên xác định một số khu vực làm trước, như Khu đô thị mới Thủ Thiêm đối diện bến Bạch Đằng. Đối với bán đảo Bình Quới - Thanh Đa, ông Chính nói khu vực này được ví như hòn ngọc. Đơn vị tư vấn phải làm quy hoạch để cho bán đảo này bật lên, phát triển thương mại, dịch vụ và là điểm nhấn khiến các thành phố lớn trên thế giới phải ngưỡng mộ. "Sông Sài Gòn là cảnh quan thiên nhiên ban phát, cần khai thác để tạo nên vị thế cho TP.HCM. Nếu làm đúng quy hoạch thì 10 - 15 năm nữa thành cảnh quan của một đại đô thị", ông Chính gửi gắm.
Nguồn: https://thanhnien.vn/gap-rut-dieu-chinh-quy-hoach-chung-tphcm-185230913003445944.htm