Bài viết được xem nhiều

Chi tiết

Đường ven sông Sài Gòn: Phải bắt đầu từ đâu?

Ngày đăng: 11-02-2022
Lượt xem: 1511

Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM cần làm gì để có đường dọc sông Sài Gòn, khi có đường này thì nên khai thác thế nào... là những vấn đề dư luận đang quan tâm

Trước yêu cầu của lãnh đạo UBND TP.HCM về việc trong năm 2022 phải hoàn thành đề án quy hoạch chung phát triển kinh tế dịch vụ dọc sông Sài Gòn để có con đường chạy dọc sông này từ quận 1 đến huyện Củ Chi, TS-KTS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý quy hoạch chung Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TP.HCM, cho rằng đây là câu chuyện dài hơi, đòi hỏi nguồn lực lớn.

Điều chỉnh hàng trăm đồ án quy hoạch

Vì vậy, để thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM, theo TS-KTS Nguyễn Anh Tuấn, việc cần làm trước mắt và có thể nói là trọng tâm trong năm 2022 là lập đề cương nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung sông Sài Gòn vì có hàng trăm đồ án quy hoạch dọc sông này cần điều chỉnh. Kế đến là quy hoạch chung phát triển sông Sài Gòn phải đồng bộ, gắn với điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM và quy hoạch chung TP. Thủ Đức.

Nói về việc phải điều chỉnh hàng trăm đồ án quy hoạch dọc sông Sài Gòn, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng cơ sở dữ liệu đã có, công tác rà soát đã làm. Những định hướng chiến lược phát triển cho hành lang sông Sài Gòn đã nằm trong đề án phát triển bờ kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông này giai đoạn 2020-2045 và kế hoạch triển khai giai đoạn 2020-2025...

"Vì vậy, việc điều chỉnh sẽ không mất quá nhiều thời gian. Nói chung, mọi thứ đã sẵn sàng cho công tác điều chỉnh quy hoạch, bây giờ chỉ là thêm những ý tưởng phát triển" - TS-KTS Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.
Để sớm có đường dọc theo sông Sài Gòn, TP HCM sẽ tiến hành điều chỉnh hàng trăm đồ án quy hoạch

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, vấn đề quan trọng cần làm kế đến để có đường ven sông Sài Gòn là điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất dọc theo bờ sông để xác định rõ khu đất nào liên quan công viên cây xanh, phúc lợi cho người dân, đất nào dành cho ngành logistics, du lịch, giải trí, giáo dục, y tế…

"Chúng ta cần cập nhật tất cả để có một hệ sinh thái dịch vụ phát triển theo đúng chiến lược. Công việc cơ bản xoay quanh trục điều chỉnh quy hoạch, kết hợp những nội dung định hướng mới, đồng bộ; làm rõ hơn những ý tưởng phát triển giao thông, kết nối giao thông và sử dụng đất để thúc đẩy kinh tế dịch vụ" - ông Nguyễn Anh Tuấn thông tin.

Để khai thác kinh tế và phát huy giá trị văn hóa sông Sài Gòn, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh đến "tính vùng" bởi bản chất sông Sài Gòn đã mang tính kết nối. Vì vậy, TP.HCM sẽ phối hợp với các tỉnh lân cận để định hướng quản lý, điều chỉnh quy hoạch khớp với nhau và ý tưởng được xuyên suốt, thống nhất.

"Chẳng hạn, khu vực nào phát triển du lịch, lưu vực nào cần được bảo vệ thì hai bên phải thống nhất quan điểm. Do đó, chắc chắn có những buổi thảo luận, trao đổi với các tỉnh lân cận trong chiến lược phát triển sông Sài Gòn" - Trưởng Phòng Quản lý quy hoạch chung Sở QH-KT TP.HCM nhấn mạnh.

Dứt khoát, quyết tâm

TS-KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho rằng chủ trương mở tuyến giao thông hai bên sông Sài Gòn để khai thác dòng sông từ cảnh quan, môi trường nước, phát huy hiệu quả sử dụng đất, phát triển dịch vụ là phù hợp. Theo ông, nếu trước đây chưa thấy hết nhu cầu này và không có quy hoạch rõ ràng con đường dọc sông thì nay phải làm nhanh và quyết tâm.

"Ngoài khai thác dịch vụ, du lịch, tuyến đường ven sông còn giúp hoàn chỉnh kết nối trung tâm TP.HCM với khu vực phía Bắc, góp phần giảm tải cho Quốc lộ 22. Với ý nghĩa lớn như vậy, chúng ta cần sớm hiện thực hóa ước vọng. Để làm được, cần có chủ trương dứt khoát, đồng bộ, chính sách rõ ràng; tránh tình trạng làm được một đoạn rồi ách tắc, không mang lại hiệu quả" - TS Võ Kim Cương đề nghị.

Ngoài ra, theo TS-KTS Võ Kim Cương, TP.HCM cần có chính sách tốt để khai thác quỹ đất, tạo điều kiện cho người dân tham gia quá trình này và hưởng lợi.

"Có chính sách tốt thì nhà nước và nhân dân cùng hưởng lợi từ tuyến đường ven sông Sài Gòn. Người dân không phải di dời đi nơi khác mà điều kiện sống không bằng chỗ cũ. Họ cùng xây dựng con đường và có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn trước" - TS Võ Kim Cương nhìn nhận.

Đồng quan điểm là phải có chủ trương dứt khoát, chính sách rõ ràng, KTS Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP HCM, góp ý cần phải có địa chỉ trách nhiệm cụ thể. "Riêng việc để giải quyết hết công trình trên hành lang sông cần kinh phí rất lớn. Vì vậy, phải dựa vào các nguồn hỗ trợ để làm sao có kết quả tốt nhất" - ông nói.

Ông Nguyễn Trường Lưu cũng cho biết các nước trên thế giới không chỉ làm đường ven sông mà còn làm dịch vụ ven sông và trên sông. Vì vậy, TP.HCM cũng cần lưu ý điều này để khai thác sông và đường ven sông Sài Gòn một cách hiệu quả nhất.

Trước những ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, Trưởng Phòng Quản lý quy hoạch chung Sở QH-KT TP.HCM cho rằng kết nối hạ tầng mới chỉ là bộ khung. Việc đầu tư, khai thác các hoạt động kinh tế, dịch vụ là điều rất quan trọng để thấy rõ "hồn cốt đô thị" sông Sài Gòn, vốn giàu tính lịch sử, văn hóa…

"Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với đơn vị từ Singapore tổ chức hội thảo với sự tham gia của các sở - ngành, nhà khoa học. Chương trình này sẽ thảo luận để học hỏi kinh nghiệm của nước bạn bởi TP.HCM có những điểm tương đồng với Singapore. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng học hỏi về kinh tế dịch vụ cảng biển, bởi tầm vóc của thành phố khi xưa là cảng biển, nơi giao thương quốc tế" - ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay.

Chiến lược phát triển sông Sài Gòn đã rõ, bây giờ là lúc cụ thể hóa các bước theo từng giai đoạn. Trước mắt, "khởi xướng" từ khu vực trung tâm trong giai đoạn 5 năm tới, đó là tập trung phát triển hạ tầng xanh dọc bờ sông, kết nối hạ tầng giao thông, kết nối phát triển một số dịch vụ ở khu vực trung tâm TP HCM".

Ông NGUYỄN ANH TUẤN,

Trưởng Phòng Quản lý quy hoạch chung Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM

Bài và ảnh: QUỐC ANH
Nguồn Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

Copyright © 2016 Trung Tâm Thông Tin Quy Hoạch TP.HCM