Bài viết được xem nhiều

Chi tiết

Đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây: Đang nỗ lực hoàn thành

Ngày đăng: 14-12-2016
Lượt xem: 1297
Những ngày đầu năm mới này nắng như thiêu đốt ngay từ buổi sáng, nhiệt độ buổi trưa lên tới 32 - 33 độ C nhưng những công nhân thi công trên công trường xây dựng đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây vẫn cặm cụi làm việc, phơi những chiếc lưng áo bạc trắng, ướt đẫm mồ hôi. Dưới bàn tay, khối óc của hàng ngàn kỹ sư, công nhân trên công trường, đến nay con đường đã vươn hình hài đến tận bờ sông Đồng Nai.



Cần mẫn làm sạch từng mét vuông trên mặt những chiếc dầm super T vừa được lắp những tấm bê-tông phủ mặt rỗng trước công đoạn rải thép mặt cầu, công nhân Nguyễn Đình Vinh (SN 1990, quê Nghệ An) cho biết đã làm việc ở đây hơn một năm. Trong thời gian ấy, Vinh đã làm đủ mọi công đoạn từ làm dầm thép, đúc cọc nhồi, phá mũ cọc, đổ trụ... để tạo ra hình hài một con đường ở độ cao hàng chục mét mà tôi đang đứng. Công việc nhiều lại phải thường xuyên lao động trong cái nắng gay gắt của trời Sài Gòn nên Vinh gần như đen trũi. Tết Nguyên đán vừa rồi, Vinh chẳng về quê, vì không có tiền. Mố cầu nơi chúng tôi đang đứng là trụ được đánh số từ 68 - 72 thuộc gói thầu 1A dài 3,5km (từ Km 4+000 đến 7+500) gồm 84 trụ cầu do Trung Quốc làm, khởi công từ ngày 1-2-2009 đến nay. Toàn bộ 84 trụ xà mũ, trừ vài trụ do phải thi công dưới lòng sông Ông Nhiêu, còn lại từ trụ số 0 đến 72 đã hoàn thành. Nhà thầu đang gác dầm. Trong đó trụ số 0 đến 40 cơ bản đã được gác dầm super T, rải thép mặt cầu. Kỹ sư Trần Đức Thành phụ trách thi công từ T24 đến T40 cho biết ngoài số kỹ sư, chuyên gia Trung Quốc, lượng công nhân xây cầu của gói 1A khá đông, khoảng 150 người chia làm năm đội. Công tác chính hiện nay chính là công việc của đội mặt cầu.

    Giữa sông Ông Nhiêu, một chiếc phà đang cõng chiếc cần trục được xích chặt trên mặt phà. Anh Soái, một thành viên của nhóm thi công mố cầu thuộc Công ty TNHH XD Sơn Hải chỉ vào cái lán dựng bằng bạt trên mặt phà nói: “Ngồi đi anh, công nhân xây cầu tụi tôi thừa nắng, thừa gió. Cái lán này coi vậy chớ ngon lắm à! Không phải khách nào cũng được ngồi đâu”. Anh Soái chịu trách nhiệm điều khiển cần cẩu, gia đình anh ở quận 12, thường ngày anh vẫn chạy xe gắn máy vượt 25km đến công trường làm việc. Chỉ vào những công nhân đứng chênh vênh trên giàn giáo giữa sông, anh Soái bảo công việc của anh ít nguy hiểm, lương cũng cao hơn, còn anh em lao động phổ thông thì cực, nguy hiểm lắm.

Chia tay những công nhân gói thầu 1A, chúng tôi theo đường Nguyễn Duy Trinh, qua cầu Long Phước để đến ấp Phước Khánh nơi liên danh nhà thầu Cienco 6 và Cienco 8 đang thi công gói thầu 1B và gói thầu số 2. Trên những chiếc trụ cao mấy chục mét, một nhóm kỹ sư, công nhân đang gác dầm super T lên các xá mũ. Theo một kỹ sư, công việc này cực kỳ nguy hiểm, đòi hỏi độ chính xác lên tới từng milimet bởi một chiếc dầm chữ T nặng 70 tấn. Để gác được nó lên xà mũ, không có cần cẩu nào có thể thực hiện được chính xác mà phải sử dụng giàn lao phóng. Một ngày chỉ gác được 2 - 3 cây dầm đã là giỏi. Kỹ sư Trịnh Kim Chi - thuộc Cienco 6 - giải thích lý do các mũ trụ cầu tại khu vực này cao bất thường so với các mố cầu thuộc gói thầu 1A là do đoạn đường chuẩn bị kết nối với cầu Đồng Nai có thông thuyền lớn nên đường dẫn vào cầu cũng phải cao. Theo sự chỉ dẫn của anh, chúng tôi đến công trường thi công cầu Đồng Nai. Giữa mênh mông sông nước, một bãi công trình đã được tạo nên một công trường có thể thoải mái đi lại như trên mặt đất nhờ hệ thống cầu, phà kết nối liên hoàn.

Trên bờ, một trụ cầu mới hoàn thành 1/2 khối lượng treo tấm biển “An toàn là trên hết” là lời nhắc nhở đến từng người kỹ sư, công nhân trên công trường. 

 Âm thầm hơn những người công nhân phơi mặt trên những mố cầu là những công nhân làm việc tại khu vực đúc dầm cầu. Đang hàn một thanh sắt vào khuôn đúc, anh Lê Văn Hòa (SN 1983, quê Phú Thọ) cho biết, việc đúc dầm tưởng là nhàn nhưng thực tế không phải thế. Để đúc được một cây dầm phải đòi hỏi độ chính xác gần như là tuyệt đối. Dầm không được rỗ nên chỉ cần bệ đúc bị hư hại, xê dịch một chút là cả đội phải mất cả tuần để sửa chữa. Bởi vậy, ngoài những lúc “thuận buồm xuôi gió” mỗi ngày đúc được 1 - 2 dầm, có khi cả tuần họ chẳng đúc được cây nào. 
 Đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây có chiều dài toàn tuyến là 54,9km. Điểm đầu của dự án nằm tại vị trí giao giữa đường Lương Định Của với trục Đông - Tây thuộc phường An Phú, quận 2 và phát triển theo hướng bắc cắt với đường vành đai II, III. Đường vượt sông Đồng Nai tại vị trí cách cầu Đồng Nai hiện hữu về hạ lưu 15km. Đến địa phận Đồng Nai, đường sẽ cắt Quốc lộ 51 tại thị trấn Long Thành và đi qua các huyện Thống Nhất, Long Thành. Điểm cuối của dự án cắt Quốc lộ 1A tại vị trí cách ngã ba Dầu Giây 2,7km tại xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, Đồng Nai.                                         

 Theo CA.TP.HCM

Copyright © 2016 Trung Tâm Thông Tin Quy Hoạch TP.HCM