Tọa đàm về định hướng quy hoạch ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai
Ngày đăng: 14-03-2025
Lượt xem: 94
Trong bối cảnh đô thị hóa
ngày càng mở rộng, việc quy hoạch và phát triển không gian xanh ven sông Sài
Gòn đang trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của TP.HCM. Không chỉ giúp
cải thiện chất lượng môi trường sống, hành lang xanh còn đóng vai trò quan trọng
trong việc điều hòa khí hậu, bảo tồn hệ sinh thái và tạo động lực phát triển du
lịch sinh thái bền vững.
Sáng 12/3, Sở Xây dựng
TP.HCM tổ chức tọa đàm về quy hoạch ven sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, do ông
Trương Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở, chủ trì.
Kết hợp không gian xanh với
du lịch sinh thái...
Tại tọa đàm, bà Kelly
Shannon - chuyên gia từ Vương quốc Bỉ, cùng các chuyên gia quốc tế nhấn mạnh tầm
quan trọng của cây xanh và không gian sinh thái trong việc cải thiện môi trường
sống và điều hòa khí hậu. Theo nghiên cứu, đô thị bền vững cần dành 15-20% diện
tích cho không gian xanh. Tuy nhiên, TP.HCM hiện chỉ đạt 0,55 m² cây xanh công
cộng/người, tổng diện tích cây xanh đô thị khoảng 2 m²/người, thấp hơn nhiều so
với mục tiêu 7 m²/người.
Bà Kelly Shannon (áo đỏ), chuyên gia từ Vương quốc Bỉ
Các chuyên gia đề xuất
dành ít nhất 50% diện tích đô thị cho hệ sinh thái tự nhiên, tái tạo và kết nối
không gian xanh, đồng thời tích hợp dân cư, công nghiệp, cây xanh và chứa nước
để tối ưu diện tích đất.
Bà Kelly Shannon chia sẻ
kinh nghiệm từ các thành phố như Paris, Bắc Kinh, Singapore trong phát triển mạng
lưới không gian xanh liên hoàn và áp dụng giải pháp sinh thái phù hợp: Kết
nối các không gian xanh, công viên thành mạng lưới liên hoàn; Kết hợp các chức
năng (dân cư, công nghiệp, cây xanh, chứa nước) trong quy hoạch; Tăng cường sử
dụng đất hiệu quả, đa dạng hóa chức năng...
Nhóm nghiên cứu từ Trường
Đại học Hồng Kông và Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM, ĐH KU Leuven (Vương quốc
Bỉ) cũng trình bày nghiên cứu về địa hình, hệ sinh thái và thủy văn
TP.HCM. Kết quả chỉ ra 6 khu vực sinh thái đặc trưng, bao gồm ven kênh Thầy
Cai, ven sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, đang bị ảnh hưởng bởi đô thị hóa nhanh,
ô nhiễm và nguy cơ ngập lụt. Sự mở rộng đô thị làm suy giảm hệ thống thoát nước
và chia cắt hệ sinh thái.
Để bảo tồn và tái tạo hệ
sinh thái đô thị bền vững, nhóm nghiên cứu đề xuất: Phát triển cây xanh, công
viên và hành lang xanh kết nối hệ sinh thái; Bảo tồn diện tích nông nghiệp,
phát triển vùng cây ăn trái để giữ giá trị sinh thái và văn hóa; Thiết kế đô thị
theo địa hình tự nhiên, duy trì hệ thống thoát nước tự nhiên và hành lang sinh
thái; Kết hợp không gian xanh với du lịch sinh thái, nâng cao nhận thức cộng đồng.
Những đề xuất này hướng tới
một TP.HCM phát triển hài hòa với thiên nhiên, bền vững trước biến đổi khí hậu
và đô thị hóa.
Xây dựng hạ tầng xanh đa
chức năng ven sông Sài Gòn
Tại buổi tọa đàm, các
chuyên gia đến từ Việt Nam cũng đã trình bày nhiều đề án quy hoạch ven sông Sài
Gòn và sông Đồng Nai, tập trung vào khai thác tiềm năng kinh tế, bảo tồn cảnh
quan và nâng cao giá trị văn hóa khu vực. Một số đề án đáng chú ý gồm: Đề án
phát triển kinh tế - dịch vụ ven sông Chợ Đệm, Quy hoạch phát triển hành lang
xanh sông Sài Gòn, và Hành lang Cánh cung vàng - Sài Gòn.
Về đề án phát triển kinh
tế - dịch vụ ven sông Chợ Đệm nằm tại thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh,
TP.HCM, đề án này hướng đến việc khai thác hiệu quả khu vực dọc bờ Nam sông Chợ
Đệm. Phạm vi nghiên cứu trải dài 3,3 km, từ đường Võ Trần Chí đến Quốc lộ 1A, với
tổng diện tích 68 ha.
Không chỉ có vị trí chiến
lược, khu vực này còn mang đậm dấu ấn lịch sử với các di tích quan trọng như
đình Tân Túc, chợ Đền, chùa Phước An Thu – những địa danh gắn liền với phong
trào cách mạng. Đề án đặt mục tiêu phát triển kinh tế dịch vụ nhưng vẫn đảm bảo
bảo tồn di sản văn hóa và cải thiện không gian đô thị.
Giải pháp quy hoạch tập
trung vào việc điều chỉnh hệ số sử dụng đất theo quy mô từng khu vực, trục đường
giao thông và đóng góp không gian công cộng. Các yếu tố như diện tích tiếp giáp
sông, lộ giới đường ven sông và số lượng trục đường chính đều được tính toán kỹ
lưỡng để đảm bảo phát triển bền vững. Đặc biệt, đề án còn đề xuất dành quỹ đất
cho công viên, quảng trường và không gian sinh hoạt cộng đồng nhằm tạo môi trường
sống chất lượng cho cư dân.
Ông Trương Trung Kiên,
Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, đã trình bày đề án xây dựng hệ thống công viên
ven sông với mục tiêu vừa phát triển không gian xanh, vừa thúc đẩy du lịch sinh
thái. Các dự án nổi bật trong chuỗi công viên này bao gồm: Công viên Rừng - du
lịch sinh thái tại khu vực di tích lịch sử Bến Dược - Tam Giác Sắt; Công viên
khu vực địa đạo Bến Đình – nơi gìn giữ và tái hiện không gian lịch sử;Công viên
Làng nghề - đô thị dịch vụ du lịch Trung An, kết hợp giữa bảo tồn làng nghề
truyền thống và phát triển du lịch; Công viên Rạch Thông Bình Mỹ, phục vụ nhu cầu
vui chơi, giải trí và sinh hoạt cộng đồng…
Việc hình thành chuỗi
công viên này không chỉ giúp TP.HCM mở rộng các không gian xanh mà còn tạo ra hệ
sinh thái bền vững, giúp cân bằng giữa phát triển đô thị và bảo vệ thiên nhiên.
Trong khi đó, ông Nguyễn
Trần Hữu Thắng, Chủ tịch Hội Du lịch đường thủy TP.HCM, đã giới thiệu về đề án
Công viên điện ảnh ven sông Sài Gòn. Mục tiêu của dự án là tạo ra một không
gian nghệ thuật độc đáo – nơi giao thoa giữa điện ảnh, văn hóa và thiên nhiên.
Công viên không chỉ là điểm
đến lý tưởng cho các nhà làm phim, nghệ sĩ và du khách yêu thích điện ảnh, mà
còn là trung tâm sự kiện, lễ hội và giao lưu văn hóa, góp phần quảng bá hình ảnh
TP.HCM ra thế giới.
Vị trí được đề xuất đặt
công viên là khu vực đầu hầm Thủ Thiêm, đối diện bến Nhà Rồng – nơi được xem là
cửa ngõ vào trung tâm thành phố. Không chỉ thuận lợi về giao thông, vị trí này
còn mang giá trị lịch sử đặc biệt, liên quan đến thương cảng Sài Gòn đầu thế kỷ
20 và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Các đề án quy hoạch ven
sông không chỉ mang lại cơ hội phát triển kinh tế mà còn góp phần tạo dựng một
đô thị hiện đại, hài hòa với thiên nhiên và giàu bản sắc văn hóa. Với những giải
pháp quy hoạch bài bản, các dự án này hứa hẹn sẽ nâng tầm diện mạo đô thị
TP.HCM, giúp thành phố phát triển bền vững trong tương lai.