Bài viết được xem nhiều

Chi tiết

Thực hiện chiến lược phát triển KTXH và nội dung gắn kết với quy hoạch phát triển bền vững TP.HCM

Ngày đăng: 08-09-2017
Lượt xem: 12666

          Để có thể phân tích-làm rõ được vấn đề “Quy hoạch phát triển bền vững TP.Hồ Chí Minh” có mối liên hệ trực tiếp như thế nào với việc “Thực hiện chiến lược phát triển Kinh tế-Xã hội”  thì đầu tiên chúng ta phải hiểu và nhìn nhận đúng được về 2 khái niệm “Quy hoạch phát triển bền vững” “Chiến lược phát triển Kinh tế-Xã hội” .Vì nếu nhìn nhận đúng được các khái niệm này thì có thể khẳng định ngay rằng: nếu chúng ta quản lý phát triển đô thị một cách khoa học, phù hợp với các điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội của từng đô thị, theo từng thời kỳ phát triển trên nền tảng của trình độ phát triển khoa học kỹ thuật tương ứng thì chắc chắn đô thị đó sẽ phát triển bền vững.

Trong 40 năm qua, trải qua nhiều thời kỳ phát triển với những thuận lợi, khó khăn-thách thức khác nhau, về cơ bản, các chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của TP.HCM được thể hiện qua Nghị quyết của các Đại hội Đảng bộ Thành phố (Được cụ thể hóa bắng các Chương trình hành động) luôn gắn kết với quy hoạch phát triển bền vững. Chúng ta có thể tổng hợp như sau:

I. NHỮNG THÀNH TỰU VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH THỜI KỲ 1976-2015

1. Những thành tựu về tăng trưởng kinh tế

Gần bốn mươi năm trôi qua kể từ khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước được thống nhất, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến một bước dài trên con đường phát triển và ngày càng khẳng định vai trò đầu tàu đối với kinh tế của cả nước. Trong suốt gần 40 năm qua kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng bình quân 8,24%/năm, tốc độ tăng trưởng nhanh hơn 1,5 lần so với cả nước, quy mô GDP giá so sánh 1994 năm 2010 gấp 16 lần so với năm 1975. Đây là mức tăng trưởng khá ấn tượng trong bối cảnh kinh tế cả nước và thành phố gặp rất nhiều khó khăn trong những năm đầu giải phóng và thống nhất đất nước. Điều này thể hiện những nỗ lực to lớn và sự năng động, sáng tạo của lãnh đạo và người dân thành phố để vượt qua những khó khăn, thách thức và khai thác những tiềm năng, lợi thế của thành phố cho phát triển.

Bảng 1: GDP trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh chia theo khu vực kinh tế thời kỳ 1976-2010 (tính theo giá so sánh 1994)

 Năm

GDP (Tỷ đồng)

Giai đoạn

Tốc độ tăng trưởng (%/năm)

Tổng số

Trong đó

Tốc độ tăng trưởng chung

Trong đó

Nông -lâm -thủy sản

Công nghiệp -xây dựng

Dịch vụ

Nông - lâm - thủy sản

Công nghiệp - xây dựng

Dịch vụ

1975

9.432

721

2.330

6.381

1976-1980

0,91

-0,39

2,48

0,46

1980

9.871

707

2.634

6.530

1981-1985

4,58

1,56

6,45

4,10

1985

12.349

764

3.601

7.984

1986-1990

7,82

3,51

10,46

6,93

1990

17.993

908

5.921

11.164

1991-1995

12,62

3,78

16,21

11,16

1995

32.596

1.093

12.551

18.952

1996-2000

10,11

1,09

13,18

8,34

2000

52.754

1.154

23.313

28.287

2001-2005

10,99

4,97

12,37

10,03

2005

88.866

1.471

41.770

45.625

2006-2010

11,18

4,83

10,12

12,23

2010

150.943

1.862

67.629

81.452

1976-2010

8,24

2,75

10,10

7,54

Nguồn: Xử lý số liệu từ Niên giám thống kê Thành phố Hồ Chí Minh

Bảng 2: GDP trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh chia theo khu vực kinh tế giai đoạn 2010-2013 (tính theo giá so sánh 2010)

 Năm

GDP (Tỷ đồng)

Giai đoạn

Tốc độ tăng trưởng (%/năm)

Tổng số

Trong đó

Tốc độ tăng trưởng chung

Trong đó

Nông -lâm -thủy sản

Công nghiệp -xây dựng

Dịch vụ

Nông - lâm - thủy sản

Công nghiệp - xây dựng

Dịch vụ

2010

463.295

4.900

199.014

259.381

2011-2013

9,56

5,73

7,56

11,12

2011

510.785

5.175

214.336

291.273

2012

557.571

5.485

230.718

321.368

2013

609.350

5.792

247.679

355.879

Nguồn: Xử lý số liệu từ Niên giám thống kê Thành phố Hồ Chí Minh

Xét trong từng giai đoạn cụ thể, tăng trưởng kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phản ánh những những đặc trưng của từng thời kỳ phát triển, gắn liền với những biến động của tình hình kinh tế, chính trị trong nước và quốc tế.

- Giai đoạn 1976 - 1985: kinh tế thành phố tăng trưởng chậm nhất, phản ánh một thời kỳ đầy khó khăn của những năm đầu giải phóng và tiến hành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa.

- Giai đoạn 1986-1990: tăng trưởng kinh tế bình quân 7,82%/năm (tính theo giá so sánh 1994), đánh dấu một  bước ngoặt quan trọng về chính sách phát triển kinh tế đất nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Đây là giai đoạn Việt Nam tiến hành cải cách kinh tế, chuyển đổi từ nền kinh tế vận hành theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn này càng có ý nghĩa to lớn trong bối cảnh hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu mà đứng đầu là Liên Xô tan rã, Việt Nam mất đi sự hậu thuẫn quan trọng cả về mặt kinh tế lẫn chính trị, Mỹ vẫn duy trì chính sách cấm vận.

- Giai đoạn 1991-1995: kinh tế thành phố tăng trưởng đột phá với tốc độ tăng bình quân 12,62%/năm (tính theo giá so sánh 1994). Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất mà thành phố đạt được trong suốt gần 40 năm qua. Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 1991-1995 cho thấy chính sách cải cách kinh tế của Việt Nam đã thực sự đi vào cuộc sống và đây là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Cải cách kinh tế góp phần giải phóng năng lực sản xuất, khai thác có hiệu quả các nguồn lực của các thành phần kinh tế, từ kinh tế nhà nước đến kinh tế ngoài nhà nước, tạo nên sự tăng trưởng mang tính đột phá. Giai đoạn 1991-1995 đánh dấu sự tham gia của thành phần kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế thành phố. Thành phần kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giai đoạn 1991-1995 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 67,97%/năm (tính theo giá so sánh 1994). Tốc độ tăng trưởng nhanh của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài một phần do xuất phát điểm thấp.

- Giai đoạn 1996-2000: kinh tế thành phố tăng trưởng bình quân trên 10,11%/năm (tính theo giá so sánh 1994), thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra. Tốc độ tăng trưởng 12,62%/năm (tính theo giá so sánh 1994) giai đoạn 1991-1995, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng năm 1995 đạt 15,3% (tính theo gia so sánh 1994) so với năm 1994 đã tạo sự lạc quan về viễn cảnh kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm tiếp theo. Những chỉ tiêu phát triển kinh tế giai đoạn 1996-2000 được xây dựng ở mức cao. Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ VI (1996-2000) đề ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 1996-2000 bình quân 15%/năm trở lên. Tuy nhiên, sự kỳ vọng vào tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn này đã không trở thành hiện thực khi tốc độ tăng trưởng các năm sau lại thấp hơn năm trước và mức thấp nhất là 6,16% (tính theo giá so sánh 1994) vào năm 1999. Giai đoạn 1996-2000 kinh tế thành phố đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ thế giới vào năm 1997 và điều này đã tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 1996-2000. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu là chúng ta đề ra chỉ tiêu tăng trưởng quá cao trong khi chưa đảm bảo các nguồn lực cho phát triển và chưa lường trước được những bất ổn của nền kinh tế thị trường.

- Giai đoạn 2001-2005: là thời kỳ kinh tế thành phố dần hồi phục sau khủng hoảng với tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước và đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 11%/năm (tính theo giá so sánh 1994) trong suốt thời kỳ.

- Giai đoạn 2006-2010: kinh tế thành phố đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 11,18%/năm (tính theo giá so sánh 1994). Giai đoạn này kinh tế thành phố chịu tác động mạnh mẽ bởi cuộc khủng khoảng kinh tế thế giới lần thứ hai bắt đầu từ năm 2008. Cuộc khủng hoảng năm 2008 được đánh giá là nghiêm trọng hơn rất nhiều so với cuộc khủng hoảng năm 1997 nhưng đồng thời cũng cho thấy khả năng ứng phó khủng hoảng của thành phố lần này tốt hơn rất nhiều so với năm 1997. Khủng hoảng kinh tế năm 1997, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng chạm đáy vào năm 1999 với mức tăng 6,16% (tính theo giá so sánh 1994) so với năm 1998. Khủng hoảng kinh tế năm 2008, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng chạm đáy vào năm 2009 với mức tăng là 8,72% (tính theo giá so sánh 1994) so với năm 2008. Như vậy, so với năm 1999 tăng trưởng chạm đáy năm 2009 của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn cao hơn nhiều.

- Giai đoạn 2011-2015: mặc dù bị ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu (diễn ra trong 2 năm 2008-2009) nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) trên địa bàn TP.HCM vẫn liên tục tăng cao và ổn định trong giai đoạn 2011-2013. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2011-2013 đạt 9,56%/năm; trong đó năm 2010 tăng 12%; năm 2011 tăng 10,3%; năm 2012 tăng 9,2%; năm 2013 tăng 9,3% (tính theo giá so sánh 2010). Đây là tốc độ khá cao trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam nói chung và nền kinh tế TP.HCM nói riêng gặp nhiều khó khăn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn TP.HCM luôn cao hơn từ 1,6 lần đến 1,9 lần trong cùng giai đoạn 2010-2013 (cả nước tương ứng tăng 6,4% năm 2010; 6,3% năm 2011; 5,3% năm 2012; 5,4% năm 2013; bình quân cả giai đoạn 2011-2013 tăng 5,6%/năm) (tính theo giá so sánh 2010).

Chia theo khu vực kinh tế thì các khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ phát triển mạnh do các khu chế xuất, khu công nghiệp và trung tâm thương mại mới được hình thành và phát triển mạnh trong gần 40 năm qua. Giai đoạn 1991-2004 khu vực công nghiệp và xây dựng phát triển mạnh do đầu tư phát triển nhiều khu chế xuất và khu công nghiệp trong giai đoạn này. Giai đoạn 2005-2010 khu vực dịch vụ giữ vai trò đầu tàu về tăng trưởng của kinh tế thành phố do hình thành và phát triển các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị. Tăng trưởng kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh trong gần 40 năm qua đã cho thấy tiềm năng và lợi thế lớn nhất của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là dịch vụ và điều này được thể hiện ngày càng rõ nét trong những năm gần đây. Cụ thể, bình quân giai đoạn 2011-2013 khu vực dịch vụ tăng 11,12%/năm; kế đến là khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 7,56%/năm và khu vực nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản tăng 5,73%/năm (tính theo giá so sánh 2010). 

2. Những thành tựu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong gần 40 năm qua đã có những tác động sâu sắc đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế của cả nước. Vai trò đầu tàu của kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh so với cả nước trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế được thể hiện thông qua yếu tố kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh chiếm tỷ trọng lớn đối với cả nước và có xu hướng gia tăng. Xét trong giai đoạn 2000-2013, tỷ trọng GDP theo giá thực tế trên địa bàn thành phố tăng 4,15% (từ 17,18% vào năm 2000 lên 21,33% vào năm 2013). Khu vực có tỷ trọng tăng cao nhất là dịch vụ tăng 5,4% (từ 23,34% vào năm 2000 lên 28,74% vào năm 2013).

Bảng 3: GDP trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước giai đoạn 2010-2013 (tính theo giá thực tế)

TT

Chỉ tiêu

2000

(Tỷ đồng)

2013

(Tỷ đồng)

TP.HCM so với cả nước (%)

TP.HCM

Cả nước

TP.HCM

Cả nước

2000

2013

1

Tổng số GDP

75.863

441.646

764.561

3.584.262

17,18

21,33

2

GDP khu vực CN-XD

34.446

162.220

310.640

1.373.000

21,23

22,62

3

GDP khu vực DV

39.929

171.070

446.152

1.552.483

23,34

28,74

Nguồn: Xử lý số liệu từ Niên thống kê Thành phố Hồ Chí Minh và Niên giám thống kê Việt Nam

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh trong gần 40 năm qua có những chuyển biến tích cực, kinh tế chuyển dần từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu. Từ sau năm 1975 đến năm 2005 kinh tê Thành phố Hồ Chí Minh chuyển dịch theo hướng gia tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng đồng thời giảm mạnh khu vực dịch vụ và nông nghiệp. Đến năm 2005 khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng gần gấp đôi về mặt tỷ trọng so với năm 1975 trong khi khu vực nông nghiệp giảm 6,34%. Sang giai đoạn 2010-2013 đã chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng GDP hai khu vực nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản và công nghiệp - xây dựng, đồng thời tăng dần tỷ trọng GDP khu vực dịch vụ. Sự chuyển dịch này đã đi đúng định hướng tinh thần Nghị quyết các đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ VII và lần thứ VIII nhiệm kỳ 2001-2005; 2006-2010. Trong đó, khu vực nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản giảm từ 1,06% năm 2010 xuống còn 1,02% năm 2013; khu vực công nghiệp - xây dựng giảm từ 42,96% năm 2010 xuống còn 40,63% năm 2013; khu vực dịch vụ tăng từ 55,98% năm 2010 lên 58,35% năm 2013 (tính theo giá thực tế). Như vậy, tính đến cuối năm 2013, cơ cấu kinh tế trên địa bàn thành phố là dịch vụ - công nghiệp & xây dựng - nông nghiệp & lâm nghiệp & thủy sản.

         Mặc dù dịch vụ luôn được xem là thế mạnh của Thành phố Hồ Chí Minh và chiếm tỷ trọng lớn hơn so với khu vực công nghiệp - xây dựng và nông nghiệp, nhưng sự gia tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng trong thời kỳ 1975-2005 là hợp lý. Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước, tuy nhiên quy mô kinh tế còn nhỏ bé, nhất là khu vực công nghiệp và xây dựng. Ngoài ra, trong một thời gian dài sau khi thống nhất đất nước, Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều lợi thế hơn so với các địa phương khác về những tiềm lực kinh tế, tài chính, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng nên có nhiều thuận lợi hơn trong phát triển công nghiệp so với các địa phương khác, Thành phố Hồ Chí Minh là nơi lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài. Thành phố Hồ Chí Minh phải gánh vác trách nhiệm phát triển công nghiệp nhằm tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội. Trong thời kỳ này thành phố đã huy động nguồn lực to lớn để phát triển công nghiệp. Thành phố hình thành nhiều khu chế xuất và khu công nghiệp đã góp phần quan trọng vào phát triển công nghiệp thành phố. Từ sau năm 2005 công nghiệp phát triển mạnh mẽ ở một số địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Điều này giảm bớt áp lực cho Thành phố Hồ Chí Minh phải đầu tư phát triển công nghiệp theo chiều rộng, đồng thời chuyển hướng phát triển công nghiệp theo chiều sâu. Thành phố chủ trương phát triển bốn nhóm ngành công nghiệp trọng yếu gồm cơ khí chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, hóa dược - nhựa cao su, chế biến tinh lương thực - thực phẩm. Thành phố đã phát triển Công viên phần mềm Quang Trung và Khu công nghệ cao. Dịch vụ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh chóng từ sau năm 2005. Tỷ trọng khu vực dịch vụ tăng từ 50,3% vào năm 2005 lên 53,61% vào năm 2010. Thành phố chủ trương phát triển 9 nhóm ngành dịch vụ cao cấp, bao gồm: tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm; thương mại; vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng; bưu chính - viễn thông và công nghệ thông tin - truyền thông; kinh doanh tài sản - bất động sản; dịch vụ tư vấn, khoa học - công nghệ; du lịch; y tế; giáo dục - đào tạo chất lượng cao. Trong những năm qua các nhóm ngành dịch vụ này đã có những buốc phát triển quan trọng, đóng vai trò nồng cốt trong phát triển kinh tế của thành phố, đặc biệt là các ngành tài chính - ngân hàng, thương mại, bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin truyền thông. Ngành tài chính tín dụng đã có sự gia tăng đáng kể về tỷ trọng trong giai đoạn 2001-2010, khi tăng từ 3,18% năm 2000 lên 12,12% vào năm 2010 trong cơ cấu GDP của thành phố. Qua giai đoạn 2010-2013, các ngành kinh tế trên địa bàn thành phố đã chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng GDP các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp chế biến, đồng thời tăng dần tỷ trọng GDP các ngành tài chính - tín dụng, vận tải, thông tin liên lạc. Trong đó, năm 2013 ngành công nghiệp chế biến vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất (33,58%); kế đến là ngành thương nghiệp (12,89%); ngành tài chính - ngân hàng (10,52%); ngành vận tải - kho bãi (8,34%). 

Sự chuyển dịch cơ cấu GDP chia theo ngành kinh tế gần 40 năm qua là đúng hướng tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao và các ngành dịch vụ cao cấp. Điều này thể hiện qua tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến và các ngành dịch vụ như tài chính - ngân hàng, vận tải - kho bãi ngày càng tăng trong tổng GDP trên địa bàn thành phố. Đây là nền tảng cơ bản để nền kinh tế thành phố nâng cao chất lượng tăng trưởng và chuyển đổi nhanh chóng mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang kết hợp giựa chiều rộng và chiều sâu.  

        II. NHỮNG THÀNH TỰU VỀ QUY HOẠCH ĐÔ THỊ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH THỜI KỲ 1976-2015 HƯỚNG TỚI SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

1. Những thành tựu về công tác lập quy hoạch đô thị

1.1. Giai đoạn 1976 - 1993

Giai đoạn này, Thành phố Hồ Chí Minh chưa có Quy hoạch chung xây dựng. Giai đoạn này, do kinh tế bắt đầu phát triển, dân nhập cư ở các tỉnh đã tràn vào khu vực nội thành, lấn chiếm ven kênh rạch để ở. Bên cạnh tăng dân số ở khu vực trung tâm, tốc độ tăng dân số còn lan ra một số khu vực lân cận như quận Gò Vấp, Tân Bình, huyện Thủ Đức. Do hiện tượng ô nhiễm và tắc nghẽn dòng kênh, chủ trương giải tỏa nhà trên và ven kênh rạch đã được đặt ra giải quyết trong giai đoạn này.

1.2. Giai đoạn 1993 - 1998

Quy hoạch tổng mặt bằng xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010, đầu tiên đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 20/QĐ-TTg ngày  16 tháng 01 năm 1993. Theo Quyết định số 20/QĐ-TTg, quy mô dân số Thành phố dự kiến là 5 triệu dân, với mục tiêu phát triển nội thành mở rộng từ khu trung tâm hiện hữu (Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định,...). Trong định hướng phát triển không gian đô thị, lúc đó chưa xác định phát triển về hướng Nam ra biển.

1.3. Giai đoạn 1998 - 2010

Đồ án Quy hoạch tổng mặt bằng xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010, đã được điều chỉnh vào năm 1998 băng đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 123/1998/QĐ-TTg, vẫn với quan điểm như trước, nhưng được nhấn mạnh hơn vào vai trò và vị trí quan trọng của thành phố và nhấn mạnh đến việc cần chú trọng khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chú trọng đến không gian đô thị trong việc kết hợp giữa cải tạo với xây dựng, song song với việc gìn giữ, tôn tạo di tích, lịch sử. Định hướng phát triển không gian đô thị tương đối rõ nét trên nền khung giao thông đô thị hoàn chỉnh, có phân cấp theo quy định. Ngoài các trung tâm hiện hữu, việc phát triển theo các hướng  của thành phố: với hai hướng chính là Đông và Nam hướng ra biển, hướng phụ là Bắc,  Tây - Bắc. Đây là giai đoạn đô thị hóa tương đối nhanh chóng và dự kiến quy mô dân số đến năm 2020 là 10 triệu người. Phân bố dân cư tập trung phát triển tại các quận mới trên nền trung tâm cũ phát triển ổn định.

1.4. Giai đoạn 2010-2015

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 24/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2010, nhấn mạnh và tập trung các vấn đề về vị thế Thành phố Hồ Chí Minh trong mối quan hệ Vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh gồm bảy tỉnh và thành phố, hình thành các trung tâm tổng hợp, chuyên ngành mang tính kỹ thuật cao, hướng đến phát triển để Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một thành phố văn minh, hiện đại và phát triển bền vững. Quy mô dân số dự kiến là 10 triệu người (không thay đổi so với quy hoạch cũ) nhưng phân bố dân cư có nhiều thay đổi.Định hướng phát triển các khu trung tâm theo hướng tập trung - đa cực, ngoài khu trung tâm hiện hữu, phát triển thêm 04 trung tâm cấp thành phố ở bốn hướng của Thành phố (Đông,  Tây, Nam và Bắc), tạo động lực phát triển đô thị tại các hướng với mục tiêu thu hút người dân ra các khu vực này, nhằm giãn dân nội thành giảm áp lực cho khu trung tâm hiện hữu, Thành phố phát triển theo hai hướng chính là Đông và Nam hướng ra biển, hướng phụ Bắc, Tây - Bắc và bổ sung thêm hướng phụ Tây, Tây - Nam (xem phụ lục).

Những thay đổi qua các lần điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố đã thể hiện có sự thay đổi về tầm nhìn chiến lược qua việc phát triển Thành phố trong mối quan hệ phát triển với Vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (gồm bảy tỉnh và Thành phố) được đặt ra gần đây, nhằm phát huy thế mạnh của từng tỉnh, thành trong mối liến kết cùng phát triển không chỉ bó hẹp trong phạm vi một tỉnh, thành và phát huy thế mạnh đô thị trung tâm động lực phát triển của Thành phố với cả Vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh.  

2. Những thành tựu về công tác quản lý và phát triển đô thị

Sự vận dụng sáng tạo của Đảng bộ và Chính quyền thành phố khi triển khai thực hiện chủ trương, Nghị quyết, liên quan đến công tác phát triển đô thị qua các giai đoạn 5 năm, tương ứng với từng nhiệm kỳ Đại hội. Một số vấn đề đã được vận dụng triển khai thành công và bài học rút ra như sau:

2.1. Khôi phục và phát triển cơ sở hạ tầng

Sau năm 1986, việc khôi phục, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng là vấn đề bức thiết. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã xác định: “Về giao thông, trước mắt, chủ yếu là đầu tư khôi phục và bảo dưỡng đường sá, cầu cống…”. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần IV (1986-1990) cũng đã nhấn mạnh: “Phải dành vốn cần thiết để duy trì cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có, không để kết cấu hạ tầng tiếp tục xuống cấp, bảo đảm có mức phát triển ở các ngành đòi hỏi phải đi trước một bước như điện…”.

Bên cạnh đó, một trong những định hướng từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI (2011-2015), cũng đã xác định việc đầu tư hoàn thiện quy hoạch kết cấu hạ tầng, sẽ được ưu tiên hàng đầu: “phát triển có trọng tâm, trọng điểm và đầu tư tập trung, dứt điểm, kiên quyết hoàn thành những công trình kết cấu hạ tầng kinh tế then chốt theo hướng hiện đại và tương đối đồng bộ ở các vùng động lực phát triển, các khu công nghệ cao, các khu công nghiệp, khu kinh tế.... Phát triển đồng bộ hệ thống vận tải địa phương...”. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ IX cũng đã xác định: “Tiếp tục phát huy và mở rộng các hình thức xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng. Khai thác có hiệu quả quỹ đất đô thị để tạo nguồn vốn đầu tư”.

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 10 năm 2012 đã thông qua Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 13 - NQ/TW (khóa XI) về “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”, trong đó, có 10 vấn đề được nêu ra trong Chương trình hành động, là những vấn đề bức xúc của người dân Thành phố Hồ Chí Minh, như phát triển hạ tầng giao thông, giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông ở trên địa bàn.

         2.2. Cải tạo và chỉnh trang đô thị (nhà trên và ven kênh rạch)

Trong phương hướng nhiệm vụ về các vấn đề xã hội, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986-1990) đã chỉ đạo: “ thanh toán một phần quan trọng tình trạng nhà ổ chuột do chế độ cũ để lại ở thành phố Hồ Chí Minh và một số nơi khác”. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ IV, cũng đề ra:“Mục tiêu từ nay đến 1990 là điều chỉnh và xây mới 20.000 căn hộ…giải tỏa nhà trên một số kênh rạch”. Vào thời điểm đó, dân cư từ các nơi đã đến lấn chiếm kênh rạch và sống chen chúc trên các kênh rạch của Thành phố, đặc biệt là trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè xả chất thải xuống kênh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và cảnh quan đô thị. Hội đồng nhân dân thành phố đã thông qua Nghị quyết thực hiện chương trình, thành lập Ban chỉ đạo Chương trình Nhiêu Lộc - Thị Nghè  do Phó Bí thư Thành ủy, chủ tịch UBNDTP làm Trưởng ban, giám đốc Sở Nhà đất làm Phó Trưởng ban. Đầu năm 1990, Chương trình Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã bắt đầu được khởi động. 

Khi xây dựng những nhiệm vụ chủ yếu về chính sách xã hội trong nhiệm kỳ 1991-1995, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII đã chỉ đạo: “Cải thiện điều kiện ở của nhân dân, chú trọng các thành phố lớn, nông thôn đồng bằng sông Cửu Long, các vùng hay gặp thiên tai...”. Phương hướng và nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh (1991-1995), cũng đã xác định: “…Từ nay đến 1995 mỗi năm xây dựng ít nhất 11.000 căn hộ, phấn đấu giải tỏa 1/3 nhà lụp xụp và cải tạo môi trường sống ở các khu vực này”.

Để thực hiện theo định hướng trên, Chính quyền thành phố đã sáng tạo, quyết định sử dụng tiền bán hóa giá quỹ nhà do Nhà nước quản lý, để vừa ổn định nhà ở cho người đang thuê ở, vừa có tiền xây nhà tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa trên và ven kênh rạch thuộc dự án Nhiêu Lộc- Thị Nghè. Do chưa chuẩn bị đầy đủ điều kiện về pháp lý nên Trung ương đã không đồng ý và có quyết định tạm dừng việc bán hóa giá nhà và ảnh hưởng đến tài chính của Chương trình Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Lãnh đạo thành phố đã lập đề án xin Trung ương tiếp tục cho bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước. Với sự kiên trì đề nghị Trung ương đến cuối năm 1994, Bộ Xây dựng đã lập dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định, đó là NĐ 61-CP ngày 05 tháng 7 năm 1994, Quy định về bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê, mà đến tận tháng 3 năm 2013 vẫn còn hiệu lực thi hành. Điều này cho thấy từ thực tiễn phát sinh, Thành phố Hồ Chí Minh đã đóng góp cho cả nước trong quá trình hoàn thiện các văn bản pháp lý có liên quan đến quản lý và phát triển đô thị. Nhờ sự sáng tạo đó, từ năm 1995, bình quân mỗi năm Thành phố Hồ Chí Minh thu được trên 500 tỷ đồng tiền bán hóa giá nhà và Ủy ban nhân dân thành phố đã kiến nghị Chính phủ cho mượn 100 tỷ đồng quỹ hóa giá nhà để tạm ứng cho các đơn vị đầu tư xây dựng nhà ở đang gặp khó khăn về vốn nhằm tạo một quỹ nhà tái định cư ban đầu cho quay vòng. Doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà tái định cư cho chương trình này được hưởng sách chính ưu đãi đặc biệt. Người tái định cư được mua nhà trả góp 10 năm theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Tuy kinh phí xây nhà tái định cư vẫn chưa đủ để đáp ứng tiến độ giải phóng mặt bằng, một số doanh nghiệp lúc ấy đã hưởng ứng tích cực bỏ vốn xây dựng nhà theo dạng chìa khóa trao tay (ứng vốn thi công). Chỉ trong vòng hai năm, trong tổng số gần 2.500 căn hộ tái định cư các doanh nghiệp đăng ký xây dựng đã có hơn 1.300 căn hộ hoàn thành.

Một bài học kinh nghiệm nữa là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Từ thực tiễn về nhu cầu bồi thường giải phóng mặt bằng của Thành phố Hồ Chí Minh Nghị định số 90/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 1994 của Chính phủ được ban hành, quy định về việc bù thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

        2.3. Phát triển khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng

Bên cạnh chủ trương tiếp tục khắc phục tình trạng xuống cấp của cơ sở hạ tầng, Thành phố đã tận dụng thời cơ mở cửa (hội nhập kinh tế quốc tế) để kêu gọi và thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong đó diển hình là việc đầu tư xây dựng khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (là khu A trong quy hoạch khu đô thị mới Nam Thành phố Hồ Chí Minh) theo phương thức đổi đất lấy hạ tầng (qua đầu tư xây dựng 17,8 km tuyến Đại lộ Nguyễn Văn Linh) đã được triển khai thực hiện từ nhiệm kỳ (1991-1995) của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh. 

Khi Luật Đầu tư nước ngoài của Việt Nam ban hành năm 1987, Thành phố Hồ Chí Minh đã nắm bắt cơ hội mở cửa để kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp từ các nhà đầu tư nước ngoài. Với lợi thế là vùng lãnh thổ đã có nhiều thành công về mô hình khu công nghiệp, khu chế xuất, Tập đoàn CT&D (Đài Loan) đã chọn đầu tư vào Khu chế xuất Tân Thuận tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 9 năm 1991. Hình thức đầu tư là liên doanh với Ủy ban nhân dân  Thành phố Hồ Chí Minh (mà đại diện là Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC)) và Tập đoàn CT&D. Khi xây dựng Khu chế xuất Tân Thuận, do nhu cầu phải có một tuyến đường huyết mạch để vận chuyển hàng hóa trực tiếp, nối kết đến khu chế xuất, mà không phải đi xuyên qua khu vực nội thành hiện hữu; đường Bắc Nhà Bè - Nam Bình Chánh (nay là Đại lộ Nguyễn Văn Linh) đã được đầu tư xây dựng dưới hình thức dự án BT (xây dựng và chuyển giao).  Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng phương thức “đổi đất lấy hạ tầng”, thông qua hợp đồng cho Tập đoàn CT&D được thuê hơn 600 ha đất dọc theo Đại lộ Nguyễn Văn Linh để khai thác kinh doanh và đổi lại, họ bỏ vốn đầu tư tuyến Đại lộ Nguyễn Văn Linh (17,8 km) và xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật cho 150 ha dành xây dựng công trình công cộng trong tổng số hơn 750 ha đất được giao. Trên cơ sở đó, một liên doanh giữa Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC)Tập đoàn CT&D đã được thành lập, dưới tên gọi là Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng, với hình thức góp vốn theo tỷ lệ 70% từ phía nhà đầu tư nước ngoài và 30% của Chính quyền Thành phố để cùng nhau khai thác hơn 600 ha đất dọc theo đại lộ này. Một khu đô thị mới 2.600 ha (nay điều chỉnh chính xác lại là 2.975 ha) đã được quy hoạch vào tháng 5 năm 1993, trong đó 750 ha khu đô thị mới do Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng đã trực tiếp đầu tư xây dựng. Do tình trạng sản lượng điện không đủ cung ứng cho thành phố tại thời điểm đó, Tập đoàn CT&D cũng quyết định tự bỏ vốn xây dựng thêm nhà máy điện Hiệp Phước vào năm 1993, với công suất đạt 375 MW, để cung cấp điện cho cả khu chế xuất Tân Thuận và khu đô thị mới.

Với sự sáng tạo của Chính quyền Thành phố trong chính sách ưu đãi hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài, thể hiện qua việc: (a) Mặc dù khung pháp lý chưa có, Đảng bộ, Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã sắp xếp cho Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng thuê 600 ha đất, phát triển khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, nhằm thu hồi vốn đầu tư tuyến Đại lộ Nguyễn Văn Linh dưới hình thức BT; (b) Cho phép Liên doanh thí điểm bán sản phẩm nhà ở trong khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng; (c) Đã chủ động điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng  Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1998, chính thức thêm một hướng phát triển chính về phía Nam hướng ra biển, là hướng phụ trước đây trong Quy hoạch tổng mặt bằng năm 1993; (d) Đầu tư một số tuyến giao thông nối kết đến khu đô thị mới, như kéo dài tuyến đường Nguyễn Tri Phương, nâng cấp cầu Chánh Hưng và xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam… Thành phố còn hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài việc thành lập Ban Quản lý Khu Nam với "thủ tục một cửa một dấu” để đơn giản hóa các thủ tục hành chính đối với các dự án đầu tư tại khu đô thị mới này, từ năm 1998. Tất cả những sáng tạo đó của Chính quyền Thành phố, đã giúp cho Tập đoàn CT&D khắc phục một số khó khăn ban đầu trong quá trình đầu tư vào khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng và đạt được thành công như ngày hôm nay. Lần đầu tiên trong cả nước, phương thức “đổi đất lấy hạ tầng” đã được áp dụng tại dự án khu đô thị mới Nam Thành phố, thông qua mô hình hợp tác công tư (PPP), dưới hình thức liên doanh (gọi là Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng), góp vốn 70/30. Phía Thành phố đã đóng góp 30% bằng giá trị quyền sử dụng đất và nguồn nhân lực.

Trên cơ sở mô hình khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 12/2008/TT-BXD về hướng dẫn đánh giá, công nhận Khu đô thị mới kiểu mẫu cho cả nước.

        2.4. Phát triển mở rộng đất đô thị, thành lập quận mới

Trước tình hình nhu cầu cung ứng đất đai cho phát triển ngày càng cao, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (1996-2000) đã chỉ đạo quản lý thị trường bất động sản phải hiệu quả, liên quan đến chủ trương cho phép xã hội hóa trong công tác đầu tư nhà ở. Phương hướng và nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh (1996-2000), đã xác định: “Điều chỉnh quy hoạch xây dựng thành phố theo hướng: hiện đại hoá có trọng điểm nội thành (cũ)…; hình thành một số quận mới; mở rộng xây dựng đô thị tập trung theo hai hướng chính: Nam và Đông Sài Gòn cùng một số đô thị vệ tinh ở các huyện ngoại thành song song với các khu công nghiệp mới”.

Trên cơ sở này, Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất Chính phủ thành lập 5 quận mới vào năm 1997 (thực tế khi lập đề án, dự kiến thành lập 7 quận mới, nhưng 2 quận phía Tây đã không được thành lập vào năm 1997). Các quận mới như Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức đã được thành lập trên cơ sở tách ra từ huyện Thủ Đức trước đây; Quận 12 được thành lập trên cơ sở tách ra từ huyện Hóc Môn và Quận 7 cũng được thành lập trên cơ sở tách ra từ huyện Nhà Bè. Thành phố Hồ Chí Minh từ 18 quận huyện, 282 phường - xã - thị trấn lên 22 quận - huyện và 303 phường - xã - thị trấn. Đến năm 2003, khi một phần của huyện Bình Chánh giáp khu vực nội thành có tốc độ đô thị hóa cao đã tách ra thành lập quận Bình Tân. Thành phố đã thành lập các xã, thị trấn thuộc các huyện Bình Chánh, Cần Giờ và Hóc Môn. Thành phố Hồ Chí Minh tăng thêm 2 quận (do quận Tân Bình tách ra làm hai thành lập thêm quận Tân Phú) và 14 phường - xã - thị - trấn.

Do tốc độ và tỷ lệ đô thị hoá tăng nhanh, bùng nổ dân số, cơ sở hạ tầng phát triển không đồng bộ và kém chất lượng, dẫn đến ranh giới không rõ ràng giữa các khu vực đã đô thị hoá (nội thành) và khu vực đang trong quá trình đô thị hoá (ngoại thành), nên việc chia tách này sẽ giúp phân định ranh giới rõ hơn giữa hai khu vực này. Với kết quả hình thành 6 quận mới (tính luôn quận Bình Tân vào năm 2003), diện tích đất đô thị đã được mở rộng từ 142,15 km2 vào năm 1996, lên đến 442,10 km2 vào năm 1997 và 494 km2 vào năm 2003 (tăng gấp 3,5 lần so với năm 1996). Nếu như năm 1996 chỉ có 12 quận nội thành và 5 huyện ngoại thành thì đến năm 2003 đã có đến 19 quận nội thành và 5 huyện ngoại thành.

Những thách thức đặt ra chính là làm thế nào để bảo đảm sử dụng đất đã được chuyển đổi từ đất nông thôn (ngoại thành) sang đất đô thị, theo hướng bền vững. Sau khi thành lập 5 quận mới, để chấn chỉnh hiện tượng chuyển mục đích sử dụng đất, san lấp mặt bằng, xây dựng, mua bán, chuyển nhượng nhà đất bất hợp pháp, vốn đầu tư của xã hội bị lãng phí, Chính quyền Thành phố đã ban hành Chỉ thị 08/2002/CT-UB ngày 22 tháng 4 năm 2002 về chấn chỉnh và tăng cường quản lý Nhà nước về nhà đất trên địa bàn  Thành phố Hồ Chí Minh, chấm dứt triển khai các “dự án phân lô bán nền”, khuyến khích phát triển nhà ở theo các dự án dạng chung cư cao tầng.

        2.5. Nâng cấp đô thị

Từ kết quả thành công của dự án vệ sinh môi trường Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Thành phố đã chú trọng đến các dự án chỉnh trang và nâng cấp đô thị (giai đoạn 2001-2005). Được sự giúp đở của Ngân hàng Thế giới (WB), dự án nâng cấp đô thị  Thành phố Hồ Chí Minh đã được tài trợ triển khai thực hiện từ năm 2001, gồm 6 hạng mục: (1) Nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật cấp 3 lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm; (2) Nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật cấp 1, 2; (3) Xây dựng nhà ở tái định cư; (4) Tăng cường năng lực quản lý nhà đất; (5) Quỹ quay vòng vốn; (6) Tăng cường năng lực quản lý dự án. Đến thời điểm hiện nay, hạng mục 1, 3, 4 đã hoàn thành. Hạng mục 1 góp phần nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật cấp 3 cho 96 khu dân cư thu nhập thấp trong và ngoài khu vực Tân Hóa - Lò Gốm trên địa bàn 14 quận, lắp đặt 71.100 m đường ống cấp nước, 13.500 đồng hồ miễn phí cho các hộ dân, 105.000 m cống thoát nước, trải bêtông xi măng 59.000 m2 đường hẻm, trải bê tông nhựa 103.000 m2 đường với tổng cộng 6,3 triệu người dân được hưởng lợi trực tiếp và 5 triệu người hưởng lợi gián tiếp. Hạng mục 3 đã hoàn thành 1 trường tiểu học, 45 lốc chung cư, 529 nền nhà phố, công viên cây xanh và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, qua đó đã bố trí tái định cư cho 438 căn hộ và 171 nền nhà cho các hộ tái định cư trên địa bàn Thành phố. Hạng mục 4 giúp thiết kế hệ thống thông tin theo mô hình quản lý nhà đất hiện đại, giúp đầu tư trang thiết bị máy móc và thiết bị ứng dụng thông tin hiện đại cho 9 đơn vị thuộc sở - ngành Thành phố. Bên cạnh khó khăn do giải phóng mặt bằng kéo dài, không kịp tiến độ thi công và điều chỉnh tổng mức đầu tư do lạm phát, dự án nâng cấp đô thị còn gặp khó khăn do vướng công trình hạ tầng kỹ thuật (như mạng lưới điện, nước ngầm) và khó khăn khi nghiệm thu do thủ tục thanh toán còn phức tạp. Nhưng từ khi triển khai thực hiện dự án nâng cấp đô thị cho đến nay, có thể rút ra bài học kinh nghiệm về việc thành công là có sự chỉ đạo sâu sát của Thành ủy và Ủy ban nhân dân  Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời cần sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa các cơ quan hữu quan (định kỳ kỳ làm việc với Ngân hàng Thế giới). Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu tiên cho dự án để tháo gỡ vướng mắc kịp thời, cụ thể như phải linh hoạt trong việc thay đổi thiết kế cho phù hợp thực tế, chia nhỏ các gói thầu theo địa bàn, thay đổi phương tiện thi công cơ giới bằng phương tiện thủ công trong các hẻm nhỏ. Ngoài ra, cần tăng cường các Tổ thi công vào ban đêm, cũng như tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn thủ tục, tạo điều kiện thanh toán cho các nhà thầu cũng góp phần đẩy nhanh tiến độ thành công của dự án.

       2.6. Dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, áp dụng mô hình “đổi đất lấy hạ tầng” lần 2 của Thành phố Hồ Chí Minh

Một trong những dự án đã được vận dụng để triển khai theo mô hình “đổi đất lấy hạ tầng” lần thứ hai của Thành phố Hồ Chí Minh, chính là dự án “Tân Sơn Nhất- Bình Lợi- Vành đai ngoài” vừa mới khách thành giai đoạn I.  Đây thực chất là dự án triển khai theo mô hình BT (xây dựng - chuyển giao) về hạ tầng giao thông đầu tiên tại Việt Nam do đơn vị nước ngoài là Công ty Xây dựng GS E&C, Hàn Quốc hợp tác với Chính phủ Việt Nam thực hiện. Tuyến đường này là trục đường hướng tâm quan trọng trong quy hoạch hệ thống giao thông của Thành phố, nối từ sân bay Tân Sơn Nhất - Quốc lộ 13 - Quốc lộ 1A - Quốc lộ1K  đi qua địa bàn các quận Tân Bình - Gò Vấp - Bình Thạnh - Thủ Đức. Là một phần của đường Vành đai số 1 là một trong bốn đường vành đai theo quy hoạch giao thông Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tuyến Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài có tổng chiều dài 13,6 km, chiều rộng 40m, 60m, 30m tương đương 4, 12 và 6 làn xe đi thông qua khu vực trung tâm phía Bắc Thành phố Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư hơn 340 triệu USD. Phía Tây của tuyến đường là sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Phía Đông kết nối vào Quốc lộ 1 tại nút giao Linh Xuân. Diện tích đất được giao chủ yếu cho nhà đầu tư khai thác gồm: 27 ha tại phường Thảo Điền 1, diện tích 17 ha tại phường Thảo Điền 2 và 40 ha tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2) cùng 91 ha tại phường Long Bình (Quận 9). 

Sau khi thông xe, tuyến đường này sẽ kết nối các tuyến đường lớn, giúp các phương tiện qua sông Sài Gòn mà không cần đi xuyên qua trung tâm Thành phố, vừa giảm ùn tắc giao thông, đồng thời giữ vai trò là tuyến đường kết nối sân bay Tân Sơn Nhất thông qua Quốc lộ 13 đến các khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương, mở đường cho việc phát triển trung tâm đô thị phía Bắc Thành phố Hồ Chí Minh. Dự án đã mang lại nhiều giá trị về kinh tế - xã hội, nhờ giải quyết được một phần ùn tắc giao thông đô thị, đồng thời tạo thuận lợi cho việc mở rộng giao thương, xúc tiến thương mại, cơ hội đầu tư mới cho các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận (Vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh). Đây là mô hình có nhiều tiềm năng áp dụng trong bối cảnh ngân sách Thành phố hạn hẹp, nhưng gặp khó khăn trong việc chuẩn bị các khu đất “sạch”, cũng như khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để có quỹ đất thực hiện “đổi đất lấy hạ tầng”, các khó khăn này là rào cản lớn hiện nay trong việc triển khai thực hiện chủ trương này của Thành phố. Ngoài ra, theo Thông tư 03, giá đất được tính ở thời điểm hoàn tất dự án trong khi vốn đầu tư phải được nhà đầu tư bỏ ra ngay từ đầu, cũng là một trong những khó khăn của nhà đầu tư. Hiện nay, tiếp theo Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg, Chính phủ đang xem xét ban hành một nghị định khuyến khích đầu tư thực hiện dự án với loại hình hợp tác PPP, tạo thuận lợi để huy động vốn đầu tư cho hạ tầng đô thị mà không phải chuẩn bị quỹ đất để đổi lấy hạ tầng. 

        III. ĐÁNH GIÁ CHUNG

       Sau gần 40 năm Thành phố Hồ Chí Minh được giải phóng, thống nhất đất nước, kinh tế-xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã có những thay đổi đáng kể. Cụ thể tốc độ tăng trưởng kinh tế Thành phố luôn giữ mức cao và ổn định, cao gấp 1,5 - 1,7 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước trong gần 40 năm qua. Cơ cấu kinh tế Thành phố đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tạo tiền đề cơ bản để Thành phố Hồ Chí Minh chuyển đổi nhanh chóng mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu. Thành phố đã xác định tập trung phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 ngành dịch vụ cao cấp. Các vấn đề xã hội từng bước được giải quyết thông qua các chương trình hành động cụ thể. Bên cạnh đó, bộ mặt đô thị Thành phố đã khang trang, văn minh, nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đã được xây dựng và đi vào hoạt động. Những thành tựu về phát triển kinh tế và quản lý đô thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần thắng lợi để Thành phố giữ vững vai trò, vị trí trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục - đào tạo của cả nước và Vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh đúng theo tinh thần Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10 tháng 08 năm 2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020.

                                                                    PGS.TS.KTS Nguyễn Trọng Hòa

                                                                                         Chuyên viên cao cấp-Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM

Copyright © 2016 Trung Tâm Thông Tin Quy Hoạch TP.HCM