Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM thông tin về quy hoạch ga Bình Triệu
Ngày đăng: 26-09-2024
Lượt xem: 50
Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM vừa có văn bản gửi Trung tâm Báo chí TP.HCM, về trả lời báo chí các câu hỏi liên quan đến việc ga Bình Triệu (TP Thủ Đức) quy hoạch 'treo' đã hơn 20 năm.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cho hay theo quyết định 568 của Thủ tướng về điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, ga Bình Triệu là ga khách kỹ thuật phía bắc có diện tích khoảng 41 héc ta.
Còn theo quyết định phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ga Bình Triệu là ga đầu mối hành khách đường sắt quốc gia của khu vực đầu mối TP.HCM.
Đến nay, ga Bình Triệu vẫn chưa được Bộ Giao thông vận tải lập kế hoạch triển khai đầu tư. Do có vai trò quan trọng trong quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia và kết nối giao thông công cộng TP, việc quy hoạch dự trữ khu ga Bình Triệu là cần thiết để ổn định quy hoạch sử dụng đất, quản lý tốt quỹ đất cho phát triển giao thông.
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, hiện nay UBND TP đang tổ chức lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Trong đó để khai thác hiệu quả khu vực ga Bình Triệu, đã bổ sung chức năng ga Bình Triệu là ga hành khách các tuyến đường sắt đô thị phục vụ các tuyến metro quy hoạch mới số 3, 6, 8 và tổ chức quy hoạch mô hình TOD khu vực xung quanh ga Bình Triệu.
Sau khi Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 được Thủ tướng phê duyệt, UBND TP sẽ tiếp tục tổ chức lập đồ án chuyên ngành giao thông, trong đó sẽ nghiên cứu kế hoạch tổ chức đầu tư các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị.
Đang lập quy hoạch đường sắt đầu mối, bao gồm ga Bình Triệu
Hiện nay, Cục Đường sắt Việt Nam đang được giao lập quy hoạch đường sắt, quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM. Ngày 27-8, trong văn bản góp ý về quy hoạch gửi Bộ Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã đề nghị cần làm rõ về quy mô, cấu trúc một số nhà ga có sự thay đổi về quy mô, diện tích.
Cụ thể như ga Tân Kiên từ 75ha thành 105,1ha; ga Sài Gòn từ 6,14ha thành 10,6ha; ga Bình Triệu từ 41ha thành 15,1ha. Ga Thủ Thiêm là 17,2ha không đổi nhưng cần được tích hợp nhiều tuyến đường sắt.