Bài viết được xem nhiều

Chi tiết

PHÁT HUY GIÁ TRỊ LỊCH SỬ - VĂN HÓA TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Ngày đăng: 24-10-2022
Lượt xem: 779

Ngày 9-10, Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Đài Truyền hình TP.HCM, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tổ chức chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” tháng 10-2022 với chủ đề “Phát huy giá trị lịch sử - văn hóa trong phát triển du lịch tại TP.HCM”. Tham dự có đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM. Đề cập vai trò quan trọng của hệ thống di sản văn hóa trong việc thu hút và giữ chân du khách, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM, cho biết, theo thống kê từ Trung tâm Bảo tồn di tích TP.HCM, Thành phố hiện có 185 di tích được xếp hạng nhưng chỉ có khoảng 40 di tích thực sự thu hút du khách. “Tiềm năng và dư địa để TP.HCM khai thác và phát triển du lịch di sản văn hóa còn rất lớn. Nhưng qua khảo sát thực tế, chúng tôi thấy công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ… Từ đó, các sản phẩm du lịch về di sản văn hóa, lịch sử chưa đa dạng và hấp dẫn du khách”, ông Cao Thanh Bình nói.


Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cùng các đại biểu dự chương trình Dân hỏi- Chính quyền trả lời. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trong khi đó, ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour, đặt vấn đề: “Thời gian qua, Sở Du lịch TP.HCM triển khai chương trình mỗi quận huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng. Có thể thấy, điểm đến ở các quận huyện trong chương trình đa số là các di tích văn hóa - lịch sử - kiến trúc. Tuy nhiên, không phải điểm đến nào cũng đủ điều kiện đón khách và tính kết nối các sản phẩm du lịch giữa các quận huyện với nhau vẫn chưa có, rất khó để hấp dẫn du khách”. Ông Dũng nêu câu hỏi: Để có thể kết nối, liên thông các điểm đến ở từng quận huyện, tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử đặc trưng cho TP.HCM, Sở Du lịch có kế hoạch cụ thể nào? Trả lời câu hỏi trên, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết: “Trong chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đã xác định sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử là một trong những sản phẩm chính. Sản phẩm mà các quận huyện và thành phố Thủ Đức đã giới thiệu trong thời gian qua, Sở Du lịch sẽ chủ trì cùng các chuyên gia, doanh nghiệp lữ hành và lãnh đạo địa phương xâu chuỗi lại, xác định, đánh giá và kết nối các điểm tham quan để trở thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của TP.HCM”. Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Bùi Thị Ngọc Hiếu, các sản phẩm du lịch này thực hiện theo vùng địa lý liên kết, nghĩa là những điểm đến lân cận nhau sẽ kết nối thành các tour, tuyến tham quan hấp dẫn. Ngoài ra sẽ tổ chức các sản phẩm du lịch theo chủ đề, như chủ đề về nghi lễ, văn hóa dân gian; du lịch hội thảo, hội nghị, du lịch lễ hội và du lịch ban đêm.

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (quận 3, TPHCM) luôn thu hút du khách

Liên quan đến vấn đề bảo tồn văn hóa - di sản để phát triển du lịch, TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử TP.HCM, đặt câu hỏi: “TP.HCM vốn có di sản vật thể và phi vật thể rất đa dạng. Tuy nhiên, trong quá trình hiện đại hóa không tránh khỏi những tổn thương đến di sản, đặc biệt là di sản kiến trúc, di sản cảnh quan đô thị. Các cơ quan chức năng sẽ có giải pháp gì để tránh những tổn thương này? Chúng ta có kế hoạch gì để phục dựng, đền bù lại những giá trị di sản đã mất?”.
Về vấn đề này, ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, cho biết: “Bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị là vấn đề thiết yếu trong công tác quản lý và phát triển đô thị. TP.HCM luôn quan tâm và giữ gìn các giá trị di sản đã hình thành qua hơn 300 năm phát triển. Thành phố cũng đã ban hành chương trình hành động bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị với 10 nội dung chính, xoay quanh 3 nhóm vấn đề: xác định các đối tượng kiến trúc và khu vực công trình kiến trúc; xây dựng quy định, quy chế về bảo tồn và đề ra cơ chế, chính sách hỗ trợ cho công tác bảo tồn. Đến nay, có 274 biệt thự loại 1 được đưa vào danh sách cần được bảo tồn; nhận diện được 35 khu vực kiến trúc cảnh quan cần được bảo tồn. Chúng tôi sẽ đưa vào trong các đồ án quy hoạch phân khu và thiết kế đô thị để làm cơ sở cho việc quản lý và bảo vệ di tích”.
Tại chương trình, TS Trần Xuân Thảo, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, đặt vấn đề: “Thành phố có nhiều loại hình bảo tàng, đây là tiềm năng lớn cho việc khai thác du lịch. Vậy TP. đã có những giải pháp nào để có thể đổi mới nội dung và hoạt động ở các bảo tàng tại TP.HCM hiện nay?”. Trả lời câu hỏi trên, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, cho biết: “Sau giai đoạn dịch Covid-19, các bảo tàng tại Thành phố đã đổi mới trong tổ chức hoạt động, cụ thể là bắt đầu các hoạt động chuyển đổi số. Thời gian tới, với định hướng của Thành phố, tất cả các bảo tàng trong hệ thống công lập sẽ được trang bị và sử dụng công nghệ trong trưng bày nội dung và quản lý hoạt động, ũng như đào tạo thêm đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực bảo tàng”.

Nguồn: Sài Gòn Giải phóng Online                                                                 
TT.TTQH   t10.2022
















Copyright © 2016 Trung Tâm Thông Tin Quy Hoạch TP.HCM