HỘI THẢO TIẾN TỚI ĐỒ ÁN QUY HOẠCH CHUNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH: NHỮNG VẤN ĐỀ VÀ GIẢI PHÁP CHO HẠ TẦNG ĐÔ THỊ VÀ LIÊN KẾT CÁC CHỨC NĂNG TRONG VÙNG
Ngày đăng: 09-12-2022
Lượt xem: 955
Sau
chuyến đi khảo sát liên vùng Thành phố Hồ Chí Minh của đoàn chuyên gia Trung
ương và TP.HCM, ngày 07 tháng 12 vừa qua, tại Hội trường Thành ủy, Sở Quy hoạch
– Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi Hội thảo tiến tới Đồ án Quy hoạch
chung TP.HCM: Những vấn đề và giải pháp cho hạ tầng đô thị và liên kết các chức
năng trong vùng.
Hội
thảo diễn ra dưới sự chủ trì của các ông Bùi Xuân Cường – Thành Ủy viên, Phó
Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Nhã – Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc
TP.HCM, ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam,
với sự tham dự của đại biểu các Bộ, Sở, ngành trung ương, địa phương, Hội đồng
tư vấn Kiến trúc của TP.HCM, chuyên gia từ các Viện, trường cũng như lãnh đạo
các Tỉnh, thành, quận, huyện và Hiệp hội có liên quan. Sau phát biểu khai mạc
của ông Bùi Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Hội trường đã sôi nổi hẳn
lên với giải pháp từ các tham luận, thảo luận từ các chuyên gia cũng như đại
biểu Trung ương, địa phương trong bài toán về Quy hoạch chung TP.HCM và mở rộng
không gian liên vùng.
Toàn cảnh Hội
thảo Tiến tới đồ án Quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: PV Quốc Anh)
Ông
Bùi Xuân Cường – Phó chủ tịch UBND TP.HCM (Ảnh: PV Quốc Anh)
Để
liên kết không gian vùng tốt, chuyên gia Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy
hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, nhìn nhận TP.HCM cần làm rõ mối quan hệ giữa
TP.HCM và các địa phương giáp ranh như Tây Ninh, Long An, Biên Hòa và đặc biệt
là Vũng Tàu để phát triển tiềm năng đô thị kinh tế biển. Chuyên gia cho rằng
TP.HCM cần tận dụng tiềm năng này trong phát triển quy hoạch, mở rộng không
gian liên kết vùng. Đô thị kinh tế biển sẽ đem lại nhiều lợi ích lớn trong phát
triển thành phố, tạo lao động, việc làm, giao thương xuất nhập khẩu và giao
thương quốc tế. Song, việc mở rộng không gian đô thị biển là bài toán cần xem
xét kỹ. Trong đó, Cần Giờ xác định tiếp tục chú trọng bảo tồn và phát huy giá
trị khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn.
Ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển
đô thị VN (Ảnh: Trung tâm Thông tin quy hoạch)
Chuyên
gia Ngô Viết Nam Sơn cho rằng khi phát triển một trục giao thông mới cần quan
tâm phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hai bên theo định hướng TOD
(phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng). Theo đó, ông Sơn lấy ví
dụ tuyến Metro số 1 nếu phát triển lên hướng Đồng Nai theo đúng nguyên tắc TOD
thì có thể thu hút 1 triệu dân sử dụng các tiện ích xung quanh mà không cần vào
nội thành. Người dân vẫn đảm bảo các nhu cầu sống, mặc khác, khu trung tâm Thành
phố sẽ tránh được tình trạng ùn tắc như hiện nay. Tương tự, nếu phát triển tốt
mô hình TOD, việc hình thành Vành đai 3 và Vành đai 4 sẽ đẩy mạnh liên kết vùng
cho TP.HCM cùng các tỉnh; hình thành những khu đô thị mới giúp toàn vùng phát
triển kinh tế - xã hội. Trong liên kết vùng, với tiềm lực, vị trí trung tâm,
TP.HCM có thể đóng vai trò “nhạc trưởng”, tác động các địa phương lân cận thông
qua các chính sách, chương trình liên kết. Từ đó, TP.HCM có thể khai thác hạ
tầng của địa phương bạn và chia nhau lợi ích kinh tế mà không nhất thiết sở hữu
hạ tầng đó, Thành phố đóng vai trò như trái tim của một hệ sinh thái lớn với
các động lực kinh tế, tăng trưởng, TS Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ.
Ông
Nguyễn Thanh Nhã – GĐ. Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM (Ảnh: Trung tâm Thông tin quy hoạch)
Kết
luận Hội thảo, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM Nguyễn Thanh Nhã nhấn
mạnh Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến sát hợp với nội dung đã xây dựng khi
thực hiện Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến
năm 2060. Tuy nhiên, trong một kỳ quy hoạch sẽ không thể giải quyết hết các vấn
đề vì không đủ nguồn lực, Thành phố cần cân đối để bảm bảo thực hiện quy hoạch,
với mong muốn có được đồ án tốt, khả thi, chúng tôi lựa chọn những nội dung tốt
nhất trình lãnh đạo Thành phố để lựa chọn nội dung đưa vào đồ án Quy hoạch
chung./.
TTQH.12.2022