video clip

Bài viết được xem nhiều

Chi tiết

HỘI NGHỊ BÁO CÁO KỲ 2 ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG TP.HCM ĐẾN NĂM 2040, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2060

Ngày đăng: 27-11-2023
Lượt xem: 1408

Ngày 25-11, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị báo cáo kỳ 2 về điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 với sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành về quy hoạch, phát triển đô thị cùng các nhà quản lý. Chủ trì Hội nghị do ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP HCM; ông Trần Ngọc Chính - nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, Tổ trưởng Tổ công tác của Bộ Xây dựng; bà Trần Thu Hằng - Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc (Bộ Xây dựng).

Phát biểu định hướng Hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh báo cáo kỳ này phải chỉ được điểm mới, giá trị mới của điều chỉnh quy hoạch chung. Quy hoạch cần kiến tạo không gian mới, động lực mới và phải có tính khả thi, hướng tới thực hiện các mục tiêu trong Nghị quyết 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ, Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Điều chỉnh quy hoạch chung lần này phải khẳng định rõ nét vị trí, vai trò của thành phố ở vùng kinh tế phía Nam và trong cả nước, là đầu mối, đại diện của Việt Nam trong hội nhập quốc tế. "Thành phố không chỉ kết nối giao thông, logistics mà phải khẳng định bằng sức mạnh mềm, vai trò dẫn đầu, cạnh tranh tầm quốc tế, khu vực. Như vậy, điều chỉnh quy hoạch chung lần này không chỉ thiết kế phần cứng mà có cơ chế, phần mềm để phát triển Thành phố, khẳng định vai trò của Thành phố, cần hướng tới trở thành Trung tâm tri thức, trung tâm sáng tạo." – ông Phan Văn Mãi nói.

Sau khi nghe các đơn vị tư vấn trình bày về các chiến lược điều chỉnh quy hoạch Thành phố như: Chiến lược Phát triển hệ thống Đô thị đa trung tâm, Chiến lược phát triển kinh tế biển với Logistics Liên kết vùng, chiến lược Quy hoạch khu đô thị TOD theo tư duy Kinh tế thị trường, Chiến lược Quy hoạch kết nối Khu trung tâm và kết nối Không gian ngầm…, các chuyên gia đã góp ý để công tác điều chỉnh quy hoạch Thành phố để phù hợp hơn với tầm vóc 1 siêu đô thị.

Hầu hết các đại biểu đề cập cần làm rõ việc phát triển đô thị đa trung tâm; hạ tầng giao thông kết nối tới khu đô thị Cần Giờ; phát triển không gian ngầm; kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu; hệ thống cấp thoát nước…

Bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch, Bộ Xây dựng góp ý đồ án phải làm rõ các cơ sở pháp lý, điểm mới, định hướng, nội dung gì mà lần điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM này phải tuân thủ. Bà Hằng cho rằng Thành phố chưa nói được thách thức nội tại, thách thức bên ngoài và cả cơ hội (về giao thông, hạ tầng xã hội, kỹ thuật...), như câu chuyện thách thức trong mối quan hệ của vùng như thế nào, hay thách thức về quy mô dân số...

Ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam đề nghị Quy hoạch Thành phố phải làm tốt các Nghị quyết của Chính phủ. Thành phố Hồ Chí Minh có 3 điều kiện cảng biển và kinh tế biển, là cửa sổ ra thế giới. Thành phố có sân bay với sân bay Long Thành kết nối. Với vị trí cửa khẩu, Thành phố có thể trở thành thành phố toàn cầu, đây là hướng phát triển trong tầm tay, cần làm rõ trung tâm thương mại, dịch vụ…, đô thị toàn cầu là văn hoá mang tầm quốc tế. Sông Sài Gòn là yếu tố làm sống động cho Thành phố mà ít thành phố nào có được, phải làm nổi bật con sông Sài Gòn trong đô thị kinh tế biển, Thành phố có điều kiện thì không thể không phát triển được.

TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn đồng tình với hướng phát triển đô thị đa trung tâm nhưng cần làm rõ mô hình này hơn về các mặt như cung ứng hạ tầng kỹ thuật, xã hội cho mọi khu đô thị lớn nhỏ thì từ trung tâm Thành phố hay các thành phố con như thành phố Thủ Đức, thành phố Tây, Bắc, Nam đều phải có hạ tầng xã hội, kỹ thuật như nhau - ông Sơn nói.