video clip

Bài viết được xem nhiều

Chi tiết

Giới thiệu khái quát lịch sử phát triển đô thị Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 02-01-2018
Lượt xem: 17450

Thành phố Hồ Chí Minh với lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển, trải qua những thăng trầm trong các giai đoạn lịch sử, nhưng đã từng bước khẳng định giá trị của mình với những bản sắc riêng biệt trong phát triển đô thị cũng như sự phong phú của các giai tầng kiến trúc.

Từ buổi đầu lịch sử, những bước chân của lớp lớp lưu dân người Việt đến vùng sông nước phương Nam chinh phục thiên nhiên, mở rộng bờ cõi... Trong cuộc trường chinh mở đất, mở nước vĩ đại đó, năm 1698 được xem là cột mốc lịch sử thành lập Sài Gòn, khi thống suất Nguyễn Hữu Cảnh theo lệnh Chúa Nguyễn Phúc Chu vào Nam kinh lược, ông lấy đất Nông Nại làm phủ Gia Định, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long dựng dinh Trấn Biên (Biên Hòa ngày nay) và xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình dựng dinh Phiên Trấn. Nguyễn Hữu Cảnh lấy sông Sài Gòn làm ranh giới thiên nhiên cho hai huyện Phước Long và Tân Bình. Huyện Tân Bình lúc đó bao gồm các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh, các huyện Hóc Môn, Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi, toàn tỉnh Tây Ninh, một phần tỉnh Long An ngày nay. Còn huyện Thủ Đức bấy giờ là tổng Bình An thuộc huyện Phước Long.

Đến 1780, Sài Gòn trở thành thủ phủ của Nam Bộ - có vai trò chính trị quan trọng đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Không gian đô thị Sài Gòn lúc bấy giờ gồm khu phố thị Bến Nghé và Chợ Lớn. Đô thị Bến Nghé có thành Qui (còn gọi là thành Bát quái) do chúa Nguyễn Ánh ra lệnh xây dựng năm 1790.

Năm 1802, cùng với việc triều Nguyễn được thành lập, Kinh đô Huế ra đời. Vùng đất Nam Bộ được lập thành một đơn vị hành chính: Gia Định thành. Lê Văn Duyệt giữ chức Tổng trào thành Gia Định trong khoảng 16 năm. Lúc này, dù không phải là kinh đô, nhưng Sài Gòn vẫn là thủ phủ của vùng đất phía Nam, không gian đô thị Sài Gòn vẫn phát triển không ngừng.

Từ đó, thành phố gồm hai đô thị lớn thành phố Sài Gòn (là Chợ Lớn nay) và thành phố Bến Nghé mới xây dựng. Năm 1832, Gia Định thành bị bãi bỏ, toàn bộ Nam Bộ được chia làm 6 tỉnh trực thuộc triều Đình Huế. Sài Gòn là thủ phủ của tỉnh Gia Định.

Sau cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi (1833 – 1836) thành Qui bị phá, thành Phụng được xây (1837), hệ thống đường sá đã có thay đổi quan trọng ở khu vực thành Qui và thành Phụng.

Gia Định và vùng phụ cận (Trần Văn Học vẽ năm 1815)

(Nguyễn Đình Đầu, Địa chí văn hóa Tp.HCM 1987)

Năm 1859, Pháp đánh vào Gia Định, thành Phụng thất thủ. Đến 1862, triều Đình Huế nhường 3 tỉnh miền Đông cho Pháp, sau nhường thêm 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ vào 1867, Nam Kỳ trở thành thuộc địa Pháp, phần lớn cư dân Sài Gòn đi lánh nạn. Người Pháp đã phác họa một bản đồ quy hoạch thành phố do Coffyn thiết lập. Theo quy hoạch này sẽ phát triển đô thị của Sài Gòn là vùng cận kề sông Sài Gòn, tương ứng với Quận 1 ngày nay. Ranh giới phía Bắc của đô thị này là con rạch Thị Nghè, phía Đông là con sông Sài Gòn, phía Nam là rạch Bến Nghé, còn phía Tây là con đường dọc theo đồn Kỳ Hòa.

Đến năm 1864, vì diện tích dự kiến của thành phố quá rộng, khó bảo đảm về an ninh, chính quyền Pháp quyết định tách Chợ Lớn khỏi Sài Gòn. Trong thời gian này các công trình quan trọng của thành phố, như Dinh Thống đốc Nam Kỳ, Dinh Toàn quyền hình thành. Sau hai năm xây dựng và cải tạo, bộ mặt Sài Gòn hoàn toàn thay đổi.

hinh-11

Bản đồ Saigon - Chợ Lớn lúc người Pháp đến 1859 (nguồn: Tour du Monde 1860)

Khoảng thời gian từ 1945 – 1954 là giai đoạn chiến tranh Thế giới thứ 1 và thứ 2 đã tác động mạnh đến đô thị thành phố, thúc đẩy di dân từ nông thôn ra, từ miền Bắc vào, dân số thành phố lúc đó tăng lên nhanh chóng, không gian cư trú đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn liền thành một khối. Một số công trình kiến trúc được xây dựng góp phần đa dạng hóa bộ mặt kiến trúc đô thị. Đây là giai đoạn Sài gòn – Chợ Lớn được sáp nhập thành Khu Sài Gòn – Chợ Lớn từ 2 đơn vị hành chính riêng lẻ.

Bản đồ Sài Gòn 1947

Từ 1954 – 1975: bộ mặt Đô thành Sài Thành có nhiều biến đổi với nguồn viện trợ dồi dào của Mỹ nhưng không phát triển sản xuất khiến cho sức mạnh kinh tế của Sài Gòn dần mờ nhạt.

Năm 1960, Quy hoạch Tổng mặt bằng Sài Gòn - Chợ Lớn do Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ lập được công bố, tuy nhiên dưới ảnh hưởng của các biến động chính trị và làn sóng dân nhập cư ồ ạt nên đô thị phát triển nhanh chóng làm phát sinh nhiều vấn đề, không thực hiện được.

Năm 1975, Sài Gòn giải phóng, năm 1976 thành phố được đổi tên Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố chuyển mình và bắt đầu có những thay đổi mạnh mẽ, phát triển năng động và đa dạng, nhất là trong lĩnh vực đô thị.

Năm 1993, Quy hoạch tổng thể xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, được xem là quy hoạch đầu tiên của Thành phố kể từ sau 1975 với việc xác định vị trí của Thành phố là trung tâm chính trị quan trọng chỉ sau Thủ đô Hà Nội, là trung tâm công nghiệp lớn nhất của cả nước, trung tâm khoa học kỹ thuật, giao dịch – thương mại- tài chính và dịch vụ, đầu mối giao thông thuận lợi giao lưu khu vực phía Nam, giao lưu trong nước và quốc tế. Đặc biệt, quy hoạch hướng đến việc phát huy vai trò đặc biệt của Thành phố Hồ Chí Minh trong mối quan hệ với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với cả nước và quốc tế. 

Năm 1998, Quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh được điều chỉnh, đây là bước ghi nhận kịp thời về tốc độ đô thị hóa vượt bậc của Thành phố so với bản Quy hoạch đầu tiên năm 1993, không gian cư trú của Thành phố Hồ Chí Minh được mở rộng về mọi hướng, phát triển mạnh về hướng Tây, Tây Bắc và dọc theo các trục giao thông, nhất là đường bộ.

Bản đồ quy hoạch tổng thể phê duyệt 1998

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 tại Quyết định số 24/ QĐ – TTg ngày 06/ 01/ 2010, trong đó nêu rõ: Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước; đầu mối giao lưu quốc tế; trung tâm công nghiệp, dịch vụ đa lĩnh vực của khu vực và Đông Nam Á, với mục tiêu phát triển như sau:

- Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, quốc phòng theo hướng liên kết vùng để trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển của khu vực phía Nam và cả nước; từng bước trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, khoa học công nghệ của khu vực và Đông Nam Á, trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị trung tâm của Vùng Thành phố Hồ Chí Minh, bố trí và hình thành các trung tâm tổng hợp và chuyên ngành về thương mại, dịch vụ, giáo dục, y tế kỹ thuật cao, văn hóa, giải trí, thể dục thể thao…

Sơ đồ định hướng phát triển không gian Quy hoạch Vùng Thành phố Hồ Chí Minh (Giai đoạn 2005 đến 2020 tầm nhìn đến năm 2050)

- Định hướng phát triển các công nghiệp sạch không gây ô nhiễm môi trường, có công nghệ hiện đại, hàm lượng khoa học cao và giá trị gia tăng lớn, sử dụng ít lao động phổ thông;

- Định hướng phát triển hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không để trở thành đầu mối giao thông trong Vùng và kết nối khu vực Đông Nam Bộ với Tây Nam bộ, với khu vực và quốc tế.

QuyHoachChungTP_DenNam2025BanCuoicung_in.jpg

Bản đồ định hướng phát triển không gian Thành phồ Hồ Chí Minh đền năm 2025

 Sau hơn 300 năm xây dựng và phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh  ngày nay là một đô thị lớn của cả nước, có diện tích 2095,5 km2 , dân số 8.136.300 người, mật độ dân số 3.883 người/km2., gồm 19 quận là Quận 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Gò vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Thủ Đức, Bình Tân và 5 huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ. Thành phố đã và đang trở thành một đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về Kinh tế, Văn hóa, Giáo dục đào tạo, Khoa học – Công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế… là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và lan tỏa lớn của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Thành phố hiện đóng góp 21% tổng sản phẩm quốc nội, 1/3 ngân sách quốc gia, 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, ½ số khách du lịch quốc tế và chiếm 30% tổng số dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. (TTQH)

Copyright © 2016 Trung Tâm Thông Tin Quy Hoạch TP.HCM