Bài viết được xem nhiều

Chi tiết

Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025

Ngày đăng: 12-12-2016
Lượt xem: 819

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025. Theo dự báo, đến năm 2025, dân số của thành phố đạt khoảng 10 triệu người (trong đó các quận nội thành là 7,4 triệu người), diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 100.000 ha.
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có bốn khu đô thị mới gồm: khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2) khoảng 737ha, khu đô thị cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) khoảng 3.900ha, khu đô thị Tây Bắc (huyện Hóc Môn và Củ Chi) quy mô khoảng 6.000ha và Khu công nghệ cao tại quận 9 khoảng 872ha. Dù phát triển ra 4 hướng, nhưng tuyệt đối không phát triển đô thị vùng bảo tồn nghiêm ngặt và vùng phục hồi sinh thái thuộc khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ và các khu rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn các huyện Bình Chánh, Củ Chi. 



Vùng phát triển TP sẽ gồm 13 quận nội thành hiện hữu và 6 quận mới, thị trấn thuộc huyện, các đô thị phát triển. Tổng diện tích khu này khoảng 49.400 ha với quy mô số dân năm 2025 là 7,4 triệu người. 

Tại khu vực gồm 6 quận mới sẽ đầu tư xây dựng các đô thị có quy mô hiện đại, đồng bộ về hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; xây dựng các bãi đỗ xe ngầm hiện đại phục vụ nhu cầu dân sinh; hình thành khu đô thị khoa học - công nghệ có diện tích khoảng 800 ha tại quận Thủ Đức và quận 9. Vùng công nghiệp sẽ phát triển ở các quận mới và ở tại 4 huyện: Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè và Bình Chánh. 

Ngoài việc cải tạo, nâng các tuyến giao thông đường bộ đối ngoại, TPHCM sẽ cải tạo một số tuyến đường sắt và xây dựng đoạn đường sắt trên cao; xây dựng tuyến đường sắt chuyên dụng từ đường sắt quốc gia tới cảng Cát Lái và Hiệp Phước; tiến hành nạo vét để bảo đảm lưu thông cho 2 luồng sông Lòng Tàu và Soài Rạp ra biển...

Về đường không, cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ trở thành điểm trung chuyển hàng không của khu vực và thế giới, hướng đến phát triển thêm cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) với công suất 100 triệu hành khách/năm phục vụ cho sự phát triển chung của vùng.

Tại khu vực nội thị, sẽ cải tạo bến, bãi hiện có và xây thêm để hình thành mạng lưới giao thông tĩnh và khuyến khích xây các bãi đỗ xe cao tầng.

Bên cạnh đó, xây dựng 19 cầu đường bộ vượt qua các sông Đồng Nai, Sài Gòn, Nhà Bè, Lòng Tàu, Thị Vải, trong đó có cầu nối từ Bình Quới - Thanh Đa (Bình Thạnh) sang Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức).

TP cũng xây dựng 3 tuyến đường sắt đô thị như xe điện chạy trên mặt đất, đường sắt một ray tự động đi trên cao; phát triển hệ thống các nhà ga đường sắt đô thị, đặc biệt là các ga ngầm đáp ứng vận tải hàng hóa và hành khách... nhằm giảm thiểu sự quá tải cho hệ thống giao thông hiện nay của TP.

Do nguồn nước cấp cho TP chủ yếu từ nguồn nước mặt từ hệ thống sông Đồng Nai - Sài Gòn, hồ Trị An, Dầu Tiếng, hồ Phước Hòa, kênh Đông nên yêu cầu đặt ra trong vòng 15 năm tới là phải khoanh vùng đất bảo vệ khu vực dọc các sông Đồng Nai, Sài Gòn bằng cách phát triển thảm thực vật dọc các sông này. 

Nghiêm cấm xây dựng các nhà máy công nghiệp thải chất độc hại như dệt, nhuộm, giấy, thuộc da, ngành sản xuất xe gắn máy, ôtô... trong vùng nước ngọt của hai con sông trên. Đồng thời đánh giá trữ lượng nguồn nước ngầm để quy hoạch, khai thác sử dụng một cách hợp lý... (TTQH)

Copyright © 2016 Trung Tâm Thông Tin Quy Hoạch TP.HCM